Tại tỉnh Ninh Bình, hiện duy nhất huyện Kim Sơn còn khoảng 10 căn nhà mái bổi, tập trung chủ yếu ở xã Lai Thành, Đồng Hướng, Kim Mỹ... Ảnh: Đình Minh Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, ông Vũ Văn Phi (trú xóm 7A, xã Lai Thành) cho biết: Căn nhà mái bổi của gia đình có tuổi đời đã 160 năm, trải qua 5 đời cha ông. Ảnh: Đình Minh Ông Phi chia sẻ, đặc trưng của nhà mái bổi là được lợp bằng cây cói - cây trồng đặc trưng của vùng đất mặn, lợ ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) và huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Đình Minh Sau khi thu hoạch, những cây cói thân to, ngắn được phân loại và phơi khô trên bờ bãi rồi đem về dùng để lợp mái nhà. Ảnh: Đình Minh Ở trên nóc nhà mái bổi có những ụ cói nhỏ được bện chặt vào xà nhà để giữ chặt mái, vừa đảm bảo an toàn mỗi khi gió bão và cũng là để trang trí cho ngôi nhà. Ảnh: Đình Minh Về phần khung nhà, được thiết kế bằng gỗ, rất chắc chắn cộng với mái bổi được lợp dày từ 70cm đến 1m, rất ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè. Ảnh: Đình Minh Phần cột chống đỡ ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, phía dưới có trụ đá chống đỡ rất chắc chắn. Ảnh: Đình Minh Ông Phi cho biết: Vào năm 2021, ông đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để lợp lại phần mái của căn nhà. "Giờ cói thì người dân trồng nhiều nên rất dễ có vật liệu để làm mái. Tuy nhiên, cái thiếu là những người thợ, vì khi lợp mái phải rất tỉ mỉ để sắp cói khít và đều nhau, tránh tình trạng khi mưa bị dột vào nhà. Khoảng vài chục năm về trước, kiếm thợ làm nhà mái bổi rất dễ, nhưng giờ họ tuổi cao, hoặc có người mất rồi. Lần lợp lại mái nhà vừa rồi, tôi phải rất vất vả mới tuyển đủ thợ và phải giám sát rất gắt gao đến khi phần mái hoàn thành", ông Phi nói. Ảnh: Đình Minh Cũng tại xã Lai Thành, hiện còn ngôi nhà mái bổi của ông Bùi Đình Hài (93 tuổi, trú xóm 13) có tuổi đời hơn 50 năm. Ông Hài cho biết: Trước kia, ông chọn lợp nhà mái bổi bởi muốn dựng nếp nhà từ sản phẩm cói truyền thống của quê hương, từ đó lưu giữ nét văn hóa của vùng đất Kim Sơn cho thế hệ con cháu sau này. Ảnh: Đình Minh Chính quyền cũng như chủ nhân của những ngôi nhà mái bổi nhận thức rất rõ về giá trị cần được bảo tồn, lưu giữ nét hồn quê sâu lắng. Đây cũng là sản phẩm mang tính riêng biệt, nếu được khai thác tốt sẽ trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch tới với vùng biển Kim Sơn. Ảnh: Đình Minh
Đình Minh