Kinh tế

Giá lợn hơi phục hồi, người nuôi có lãi

NAM ANH 27/03/2024 10:08

Từ đầu năm 2024, giá lợn hơi đã có sự phục hồi, hiện đang neo ở mức 62.000 đồng/kg. Đây là cơ sở để nhiều doanh nghiệp tin vào kết quả phục hồi tốt ngay trong quý I/2024.

anhbaitren(3).jpg
Nhu cầu tăng cao trong những tháng đầu năm thúc đẩy giá thịt lợn tăng cao. Ảnh: Nam Anh.

Tiếp đà tăng

Từ đầu tháng 3 đến nay, giá thịt lợn hơi liên tục nhích lên và giữ ổn định giúp người chăn nuôi bắt đầu có lãi.

Khảo sát thị trường ngày 26/3 cho thấy, giá lợn hơi khu vực phía Bắc dao động vào khoảng từ 60.000 - 62.000 đồng/kg. Cụ thể tại Bắc Giang và Thái Nguyên, giá lợn hơi neo tại ngưỡng cao nhất khu vực, ở mức 62.000 đồng/kg. Còn mức 61.000 đồng/kg đang được thương lái tại Yên Bái, Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nội giao dịch. Các địa phương còn lại giữ ở giá 60.000 đồng/kg, mức thu mua thấp nhất khu vực. Các tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh và Bến Tre cùng giao dịch ở mức giá 59.000 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Kiên Giang, thương lái thu mua tại ngưỡng 61.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất khu vực. Các địa phương còn lại thu mua tại giá 60.000 đồng/kg. Với mức giá này, trừ chi phí con giống, thức ăn chăn nuôi thì người chăn nuôi bắt đầu có lãi. “Với mức giá 62.000 đồng/kg thịt hơi, trừ chi phí trung bình, mỗi con lợn người chăn nuôi lãi chừng 2 triệu đồng/con. Đây là mức giá chưa hẳn cao nhưng cũng là động lực giúp người chăn nuôi tiếp tục tái đàn” - anh Nguyễn Quốc Minh, chủ trang trại lợn tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết.

Cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NTPTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký “Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vaccine”, “Bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp”. Trên cơ sở đó, Bộ NTPTNT đề nghị các địa phương tổ chức lựa chọn và xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (cấp huyện) để phục vụ xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật sang Trung Quốc. Việc ký kết này là bước đi quan trọng để tiến tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lợn sang thị trường tỷ dân.

Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NTPTNT), với mức giá hiện tại đảm bảo người chăn nuôi có lãi nên bà con bắt đầu tăng đàn. Nếu đảm bảo tốt vấn đề an toàn dịch bệnh như hiện nay thì ngành chăn nuôi có thể yên tâm. Tính đến cuối tháng 2, trong khi chăn nuôi trâu giảm 2,6%, bò giảm 0,1% thì đàn lợn tăng khoảng 4,8%, đàn gia cầm tăng khoảng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháo gỡ khó khăn để ngành chăn nuôi phát triển

Mặc dù giá lợn hơi đã nhích lên và bắt đầu có lãi nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa dám mạnh tay đầu tư tái đàn hết công suất mà chỉ tái đàn một cách cầm chừng, vừa tái đàn vừa nghe ngóng. Lý do là bởi, hiện những biến động từ thị trường rất khó đoán nhu cầu tiêu thụ thịt đã khởi sắc hơn nhưng vẫn còn chậm so với giai đoạn trước chưa kể hiện nay thịt nhập khẩu giá rẻ bán khá phổi biến trên mạng xã hội…

Theo số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có 515.000 USD. Trong đó, đối với thịt và các sản phẩm từ thịt, cả nước nhập khẩu 717.000 tấn từ 57 thị trường, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022. Chỉ tính riêng tháng 1/2024, cả nước đã nhập khẩu gần 62.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 127,52 triệu USD, tăng 76,2% về lượng và tăng 72% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, trên đây là con số nhập khẩu chính ngạch, còn khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tiểu ngạch, nhập lậu.

Cùng với nỗi lo thịt nhập ngoại lấn át, dự báo năm 2024, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Ngoài ra, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký, 2 hiệp định đang trong giai đoạn đàm phán, trong đó, khu vực Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đều là những thị trường có không gian chăn nuôi lớn. Điều này sẽ gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, các hội và hiệp hội ngành hàng thuộc lĩnh vực chăn nuôi đã có văn bản xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội cùng các bộ ngành, ủy ban liên quan để xem xét, tháo gỡ một số vấn đề bất cập.

Cụ thể, các hội và hiệp hội kiến nghị về các lĩnh vực như bỏ quy định công bố hợp quy với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, áp dụng đồng loạt việc không tính thuế giá trị gia tăng với các sản phẩm chăn nuôi đang ở dạng sơ chế bảo quản và kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các Bộ NNPTNT , Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

NAM ANH