Mông Cổ gặp khó với mùa đông bất thường
Dù đã quá quen với kiểu thời tiết lạnh giá, nhưng năm nay, người chăn nuôi gia súc ở Mông Cổ vẫn chịu thiệt hại vô cùng nặng nề khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt tấn công.
Thiệt hại lớn
Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo, Mông Cổ đang trải qua mùa đông bất thường nhất trong nửa thế kỷ qua khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt giết chết hơn 4,7 triệu động vật và đe dọa sinh kế cũng như nguồn cung cấp thực phẩm của hàng nghìn người.
Các điều kiện khắc nghiệt (hay còn gọi là dzud), với biểu hiện đặc trưng là nhiệt độ giảm mạnh và băng tuyết dày bao phủ các khu vực chăn thả và cắt đứt khả năng tiếp cận thức ăn của gia súc. Ở Mông Cổ, có khoảng 300.000 người hoạt động chăn nuôi du mục truyền thống và sống dựa vào gia súc như dê và ngựa để làm thức ăn và bán ở chợ.
Ông Alexander Matheou - Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của IFRC, cho biết: “Những người phụ thuộc hoàn toàn vào chăn nuôi để tồn tại đã trở nên nghèo khó chỉ sau vài tháng. Một số người giờ đây không còn khả năng tự nuôi sống bản thân hoặc sưởi ấm ngôi nhà của mình”.
Theo IFRC, kể từ tháng 11/2023, ít nhất 2.250 hộ gia đình chăn nuôi tại Mông Cổ đã mất hơn 70% đàn gia súc. Hơn 7.000 gia đình hiện không được tiếp cận với thực phẩm đầy đủ.
Điều kiện khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến 3/4 diện tích đất nước, nhưng tình hình dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn khi mùa đông tiếp tục kéo dài. “Hiện đã là thời điểm của mùa xuân, nhưng mùa đông đang kéo dài ở Mông Cổ, tuyết vẫn còn và gia súc vẫn chết” - ông Matheou cho biết.
Chính phủ Mông Cổ đã tuyên bố tình trạng sẵn sàng cao độ vào tháng trước và kéo dài đến ngày 15/5. Cùng với đó, ngày 20/3, IFRC đã đưa ra lời kêu gọi gây quỹ để giảm bớt nỗi đau của những người mất sinh kế.
Theo ông Matheou: “Ngay cả với mức độ sẵn sàng cao như đã có ở Mông Cổ trong năm nay và những năm trước, điều đó vẫn không đủ để đối phó với điều kiện khắc nghiệt. Chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều phương án, nhưng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt vẫn khiến chúng tôi không kịp ứng phó”.
Dzud đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho những người chăn nuôi và gây ra sự gián đoạn trong việc đi lại, buôn bán cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục của nhiều người Mông Cổ, đặc biệt là những người sống ở khu vực nông thôn, do tuyết rơi dày đặc khiến đường đi bị cản trở.
Tại sao năm nay lại nghiêm trọng?
Ở Mông Cổ, các gia đình chăn nuôi thường di chuyển theo mùa, họ đi khắp các vùng có đồng cỏ rộng lớn để chăn thả gia súc, sử dụng những tháng mùa hè để trồng cỏ và hoa màu làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông.
Trong khi người Mông Cổ đã quen với điều kiện mùa đông khắc nghiệt ở đất nước, một thảm họa sẽ xảy ra khi hạn hán vào mùa hè kéo theo tuyết rơi dày đặc và cái lạnh cực độ vào mùa đông. Nhiệt độ có thể giảm xuống âm 30 độ C hoặc thấp hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng tuyết rơi năm nay đạt mức cao nhất trong 49 năm qua, bao phủ 90% diện tích đất nước này với thời kỳ đỉnh điểm là vào tháng 1/2024.
Mùa hè năm ngoái khởi đầu thuận lợi với lượng mưa dồi dào. Tuy nhiên, theo Liên hợp quốc, nhiệt độ giảm nghiêm trọng và tuyết rơi sớm vào tháng 11/2023 trước khi nhiệt độ tăng đột ngột, khiến lượng tuyết đó tan băng. Tiếp theo đó là một đợt rét đậm kéo dài xuống dưới âm 40 độ C ở một số khu vực. Điều đó khiến đồng cỏ nghèo nàn nên gia súc không thể được vỗ béo trước mùa đông và những người chăn nuôi không thể chuẩn bị đủ cỏ khô để nuôi chúng.
Giờ đây, Mông Cổ đang phải hứng chịu một đợt thời tiết khắc nghiệt kép “trắng” và “cứng”, khi lượng tuyết rơi rất dày đang ngăn cản động vật tiếp cận cỏ, kết hợp với đợt đóng băng cứng khiến đồng cỏ không thể khai thác.
Thời tiết khắc nghiệt đang trở nên thường xuyên hơn ở Mông Cổ nên đồng cỏ và người chăn nuôi không có thời gian để phục hồi giữa các đợt khác nhau. “Những đợt thời tiết khắc nghiệt có tính chu kỳ và chúng xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Đã 6 lần trong 10 năm qua, đây là điều tồi tệ nhất cho đến nay” - ông Matheou thuộc IFRC cho biết.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Mông Cổ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng khí hậu, với nhiệt độ không khí trung bình tăng 2,1 độ C trong 70 năm qua.
Theo các cơ quan của Liên hợp quốc, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm gián đoạn 4 mùa rõ rệt của đất nước, dẫn đến sự gia tăng các đợt hạn hán tái diễn vào mùa hè và mùa đông khắc nghiệt sau đó. IFRC dự báo, tác động của cuộc khủng hoảng thời tiết năm nay được dự báo sẽ lớn hơn trận dzud tấn công Mông Cổ năm 2010, khiến 10,3 triệu gia súc bị chết.
Bà Olga Dzhumaeva - người đứng đầu Phái đoàn Đông Á của IFRC cho biết, trong một tuyên bố: “Chúng tôi chứng kiến vô số cuộc đấu tranh mà nhiều hộ chăn nuôi phải đối mặt, từ việc mất đàn gia súc quý giá đến gánh nặng khó khăn về tài chính, nguồn lực hạn chế cũng như áp lực lớn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân”.
Tuy nhiên, bà Dzhumaeva khẳng định, bà đã nhìn thấy niềm hy vọng và khả năng phục hồi của rất nhiều gia đình khi phải chiến đấu với cơn thịnh nộ của thời tiết khắc nghiệt với sức mạnh đáng kinh ngạc.
Bà Olga Dzhumaeva - người đứng đầu Phái đoàn Đông Á của IFRC cho rằng, những cái chết liên tục của vật nuôi, nguồn tài nguyên cạn kiệt và điều kiện sống ngày càng xấu đi của hàng trăm nghìn người ở Mông Cổ trong mùa Đông này là một lời nhắc nhở rõ ràng về tầm quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.