Tiếp lửa cho nghệ thuật truyền thống
Trong thời đại đời sống xã hội phát triển, tưởng như các loại hình nghệ thuật truyền thống đang trở nên “lỗi mốt” với đại đa số những người trẻ. Nhưng bằng tình yêu, sự nhiệt huyết, nhiều bạn trẻ đang trở thành những đại sứ lan tỏa các giá trị văn hóa của cha ông đến với cộng đồng.
Mang nghệ thuật đến nhà trường
Giới trẻ hiện nay đang được tiếp cận với nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, giải trí từ trong nước đến quốc tế. Chính sự giao thoa đã tác động không nhỏ đến sự tiếp nhận các giá trị văn hóa truyền thống của người trẻ. Minh chứng rõ nhất là các sân khấu truyền thống trong một thời gian dài phải gồng mình trong việc tiếp cận công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ. Các khoa đào tạo nghệ thuật truyền thống của trường văn hóa, nghệ thuật luôn trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể dù đã được ghi danh nhưng luôn canh cánh với việc thiếu hụt lực lượng kế cận, tre già mà măng chưa mọc…
Tuy nhiên, với sự “cải tổ” từ ngành văn hóa cho đến giáo dục, các loại nghệ thuật truyền thống đang dần được phủ sóng, đặc biệt là trong các nhà trường. Có thể kể đến như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó có nội dung đưa một số loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc vào hoạt động giảng dạy và hoạt động giáo dục ngoại khóa tại các nhà trường.
Sau một thời gian thử nghiệm, Hà Nội mới đây cũng đã triển khai đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong chương trình phổ thông”. Theo đề án, các nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ phục dựng và dàn dựng 51 vở diễn thuộc 70 tác phẩm, sự kiện, nhân vật lịch sử, tổ chức 1.800 - 2.000 buổi diễn tại các trường THPT.
Khởi xướng và đồng hành cùng đề án, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội bày tỏ, việc triển khai đề án tạo nên hình thức học tập mở, hấp dẫn học sinh. Nghệ thuật sân khấu với sự sinh động, truyền cảm, linh hoạt sẽ góp phần truyền đạt tới các em nội dung những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho các em. Cũng theo ông Hiếu, đề án có 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, các nghệ sĩ biểu diễn cho các em học sinh xem tại nhà hát. Tiếp đến, các em học sinh sẽ được phân vai diễn cùng các nghệ sĩ chuyên nghiệp diễn trong tác phẩm đó. Cuối cùng, các em học sinh tự tổ chức dàn dựng vở diễn và nghệ sĩ chỉ hướng dẫn về chuyên môn. “Qua các giai đoạn sẽ tạo đời sống văn hóa văn nghệ sôi nổi trong các nhà trường, hình thành thói quen, khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu tác phẩm văn học cũng như sân khấu truyền thống, văn hóa - lịch sử Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cho các em học sinh” - ông Hiếu nói.
Cánh tay nối dài
Sau một thời gian triển khai, việc đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến với nhà trường là cách làm “đúng và trúng” của nhiều địa phương trong thời gian qua. Đây còn là “cánh tay nối dài” giúp các bạn trẻ tiếp cận, tìm hiểu và yêu thích, thậm chí trở thành những đại sứ lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Cũng chính từ cầu nối này, nhiều câu lạc bộ, dự án sân khấu nghệ thuật truyền thống đã được chính những bạn trẻ khởi xướng thành lập trong thời gian qua. Đơn cử như dự án “Trường ca kịch nghệ” của các bạn trẻ thế hệ 9X, sau một thời gian triển khai đã tạo được những ứng tích cực, góp phần gìn giữ và lan tỏa mô hình cùng lưu truyền nét đẹp của nghệ thuật truyền thống…
Tuy nhiên, hành trình viết tiếp các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người trẻ vẫn còn đó những thử thách. Bởi thực tế, để các mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản của người trẻ thành công, cần có sự chung tay từ nhiều phía. Theo anh Nguyễn Hữu Dương, đồng sáng lập dự án “Trường ca kịch nghệ”, trong thời đại hội nhập văn hóa và sự phát triển của các loại hình giải trí hiện đại, các hình thức sân khấu và diễn xướng dân gian đang ngày càng nhận được ít sự quan tâm, hiểu biết của các bạn trẻ. Nhiều bạn nghĩ rằng nghệ thuật biểu diễn truyền thống rất nhàm chán, khó hiểu nên không bao giờ tiếp xúc. Giai đoạn khởi đầu của dự án có rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn do đa phần thành viên là các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm làm dự án văn hóa.
Còn theo ông Lê Quốc Vinh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê, muốn người trẻ xem chèo, tuồng, cải lương… thì cần những câu chuyện mang hơi thở cuộc sống hiện đại, do đó cần tạo ra những sản phẩm mới và cả cách biểu hiện mới. Ông Vinh cũng cho rằng, việc hoạt động online trên các nền tảng số khá phù hợp với giới trẻ nhưng đây mới chỉ là một phần. Quan trọng là người trẻ cần được “nhúng” vào trong không gian của nghệ thuật truyền thống bằng những trải nghiệm offline thì mới cảm nhận được hết nét tinh túy và xúc cảm văn hóa dân tộc.
Có thể thấy, thế hệ trẻ đã và đang từng bước đến gần hơn với nghệ thuật sân khấu, chính tầng lớp này sẽ là người lưu giữ và lan tỏa nét đẹp của nghệ thuật truyền thống trong nước và quốc tế. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nghệ thuật sân khấu cũng đã và đang khẳng định là một trong những môn nghệ thuật giải trí mang đậm truyền thống, bản sắc của dân tộc Việt Nam.