Giáo dục STEM: Giải pháp học tập sáng tạo
Giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông (GDPT) thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh đã được triển khai thực hiện từ năm 2006 ở một số địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lưu ý các Sở GDĐT, các nhà trường cần tiếp tục chủ động xây dựng các hình thức triển khai đa dạng, phong phú nhằm triển khai hiệu quả hoạt động STEM.
Được học sinh yêu thích
Theo Chương trình GDPT 2018, STEM là phương pháp giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh (HS) huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học để phát triển phẩm chất, năng lực, giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Hiện nay, hoạt động giáo dục STEM đã được áp dụng từ cấp mầm non đến tiểu học, THCS, THPT với sự đa dạng, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi. Đơn cử ở cấp tiểu học, nhiều nhà trường đã chú trọng lồng ghép các hoạt động STEM trong dạy và học tạo hứng thú cho HS mỗi buổi lên lớp. Ông Hà Sỹ Tuyển - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát hành Sách Giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho biết, hiện nay, Công ty đã xây dựng hệ sinh thái giáo dục STEM đáp ứng đúng chỉ đạo của Bộ GDĐT với cả 3 hình thức bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM, làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Bộ GDĐT, các Sở, Phòng GDĐT cũng tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn liên quan đến nội dung này nhằm giúp các nhà trường, giáo viên có thể tiếp cận và triển khai, khai thác các học liệu hỗ trợ dạy học hiệu quả bài học STEM trong trường học.
Với ý nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, giáo dục STEM đồng thời là phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất người học đang được các nhà trường tích cực triển khai. Nhiều trường thành lập câu lạc bộ STEM với nhiều hoạt động đa dạng, thú vị thu hút HS tham gia. Như tại Trường Olympia (Hà Nội), câu lạc bộ STEM đến nay đã có tuổi đời hơn 7 năm với đã mang lại nhiều kết quả tốt. Hoạt động hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học thu được thành quả đáng khích lệ. Quan trọng hơn, những giờ học được tổ chức theo định hướng STEM cũng cho thấy sự hứng thú, tích cực và chủ động hơn, nhờ đó hiệu quả học tập được nâng cao chính là điểm sáng mà phương pháp học tập này mang lại.
Được bắt đầu triển khai từ năm 2006 ở một số địa phương, giáo dục STEM trong GDPT thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của HS đến nay đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, phát huy tính tích cực, sáng tạo và tự chủ của HS góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho HS, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GDPT.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, trong năm học 2022 - 2023 có hơn 75.000 lượt bài dạy STEM đã được triển khai tại các cơ sở giáo dục trung học trên cả nước. Năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023, có 88.529 lượt bài dạy STEM đã được triển khai. Điều này cho thấy sự vào cuộc tích cực của các nhà trường, giáo viên trong cả nước trong việc phát triển, vận dụng nội dung giáo dục STEM vào bài học.
Giáo viên chủ động
Thực tế ghi nhận, hoạt động chế tạo sản phẩm STEM dù rất được HS yêu thích nhưng theo quy định thì không được chèn vào các tiết học chính khóa. Đa số các hoạt động này được tổ chức ngoài giờ, theo hình thức câu lạc bộ nên khó thực hiện đại trà và lâu dài. Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong GDPT” do Bộ GDĐT tổ chức mới đây tại tỉnh Bắc Giang, đại diện các Sở GDĐT, các nhà trường đã tiếp tục đề xuất về hành lang pháp lý cho hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường để thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM trong các trường phổ thông chính là nền tảng để tạo nên nguồn nhân lực cao cho đất nước trong tương lai. Để hoạt động này tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, ông Thưởng đề nghị cần tiếp tục tập huấn, trao đổi và thúc đẩy kiểm tra, đánh giá tại các cơ sở. Các nhà trường nên chủ động tự tập huấn cấp cơ sở. Trong quá trình tập huấn vừa nâng cao chất lượng dạy, học, vừa tháo gỡ vướng mắc kịp thời.
Trong đó, các thầy cô giáo, chuyên gia là những người hướng dẫn, HS phải là chủ thể chính trong hoạt động giáo dục này. Các bài học, hoạt động, dự án phải dễ làm, dễ thực hiện, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi HS, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có của nhà trường để thực hiện và không áp đặt suy nghĩ, tư duy giải quyết vấn đề của người lớn qua các em HS phổ thông. Cũng giống như tất cả những đổi mới khác trong giáo dục đều cần đến sự chủ động của giáo viên bởi phương pháp có hay, có tốt đến đâu nhưng giáo viên không thấm nhuần, áp dụng vào mỗi bài học, mỗi tiết dạy thì vẫn chỉ là “lý thuyết suông”.