Tinh hoa Việt

Nhớ Trịnh

NHẬT ĐĂNG 01/04/2024 05:56

23 năm sau ngày Trịnh Công Sơn trở về “Cát bụi”, tôi nghĩ, ở đâu có người Việt Nam, ở đó bài hát của Trịnh Công Sơn vẫn vang lên...

trinh-cong-son.jpg
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn mất trưa ngày Cá tháng Tư (1/4/2001). 23 năm qua, âm nhạc của ông vẫn đồng hành với đời sống này, không ngừng được các thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ trẻ làm mới. Và cứ vào độ cuối tháng 3 đầu tháng 4 hằng năm, những đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh lại được tổ chức.

Mỗi lúc người ta xôn xao như thế, tôi lại nhớ tới dáng người mảnh dẻ của Trịnh Công Sơn.

Hình ảnh ông ngồi lặng lẽ nhìn mà như không nhìn, khiến tôi nhớ tới giai điệu: “Đường phố dài, một đường phố dài/ Đường phố này một chiều tôi tới/ Đi lang thang tôi chào vẫy mọi người/ Đường phố cười… Đường phố nào, một đường phố nào/ Đường phố nào còn nằm che dấu/ Cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau/ Đường hắt hiu…”.

Trịnh Công Sơn rất đúng khi ông nói rằng, “ở nơi nào trên mặt đất này có con người, ở đó có tiếng hát”.

Và: “Con người có thể hát một mình ở bất kỳ nơi đâu. Ca khúc là nỗi lòng của một con người trong cuộc sống. Cuộc tình giữa âm nhạc và văn học này đã khiến ca khúc tự nó có thể chạm đến mọi bờ cõi tri thức của đời sống con người. Nó đủ khả năng hát về một cái chồi non vừa nhú cho đến cái chết của một con người. Nó chính là tiếng chim buổi sáng, tiếng gà gáy trưa bên đồi mang âm vang của một nỗi nhớ nhung. Nó là nắng, là mưa, là nụ cười, là tiếng khóc. Nó ở cùng với điều nhỏ nhất và đồng thời cũng sống chung với những cõi bờ bao la”.

23 năm sau ngày Trịnh Công Sơn trở về “Cát bụi”, tôi nghĩ, ở đâu có người Việt Nam, ở đó bài hát của Trịnh Công Sơn vẫn vang lên.

Trịnh Công Sơn không phải là nhà thơ. Nhưng những ca từ của ông thì như thơ, đích thực là thơ. Điều này nhiều người đã phân tích, bình luận. Và người ta cũng đã chép lại rất nhiều ca từ của Trịnh, những “Diễm xưa”, “Mưa hồng”, “Cát bụi”, “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, “Hạ trắng”, “Nắng thủy tinh”… Nếu tách khỏi giai điệu, thì những văn bản đó đích thực là những bài thơ hay.

Tôi cũng rất thích những tùy bút, viết ngắn của Trịnh Công Sơn lúc sinh thời. Có thời điểm, ông đều đặn viết cho tờ Sóng nhạc, rồi viết trên Lao động, Tuổi trẻ Cuối tuần và một số tờ báo khác… Những bài viết của Trịnh Công Sơn cho người ta thấy nhiều suy nghĩ của ông, những triết lý sống, những suy tư trăn trở của ông. Nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, xin trích lại một số bài viết của ông, để chúng ta cùng đọc lại.

* Bao la là tiếng nói của độ lượng. Đời không thấy tha thứ cho nhau mà vẫn mơ ước bao la. Ai cũng thích những cánh đồng mênh mông, những chân trời rộng mở. Sao mà lắt léo thế? Con người luôn luôn sẵn sàng tham dự những chuyến đi bồng bềnh, sảng khói với những chân trời không thấy. Thèm gió bể khơi. Thèm núi đồi trùng điệp. Hân hoan reo ca cùng chim chóc. Nâng niu những hoa đồng cỏ nội.

Ai cũng thế. Không riêng ai. Đến với đất trời như những đứa con của vũ trụ, mà tấm lòng thì đóng kín tối tăm. Sao mà biển lận với trời đất quá vậy?

tring-cong-son-2.jpg

* Con người ta cũng hay đấy chứ. Dễ quên có phải là cái vốn liếng ở đời? Sống với người thì hẹp. Hẹp quá! Mai đây ra đứng trước cõi bao la thì nói chuyện phiêu bồng. Vả chăng, trời đất cũng dễ tính. Làm gì có chuyện trời đất ganh đua với người. Có chăng, chỉ là ganh với hồng nhan, với tài mệnh.

* Càng sống nhiều ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai. Chết quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay hôm mai. Chết thì chẳng bao giờ có một cuộc hẹn hò nào trước. Một buổi sáng cách đây bốn năm, lúc tôi đang ngồi uống rượu với bạn, mẹ tôi bảo: “Mạ đi chơi chút nghe”. Thế rồi một giờ sau tôi được điện thoại báo tin mẹ tôi đã mất tại nhà người bạn.

* Càng yêu ta càng thấy: có tình yêu thì khó mà mất tình thì quá dễ. Hôm qua mới yêu nhau đấy, hôm nay đã mất rồi. Mất sạch như người đi buôn mất hết vốn liếng. Cứ tự an ủi mình khi nghĩ rằng mình đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc. Và biết đâu cái thời gian mình được yêu thì một người khác cũng đang đau khổ vô cùng. Nghĩ thế thì thấy cuộc đời bỗng nhẹ nhàng hơn và cũng dễ tha thứ cho nhau. Sống mà giữ mãi trong lòng những hờn oán thì cũng nặng nề.

* Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác. Phụ đời và phụ người hình như cũng vậy mà thôi. Người ở lại bao giờ cũng nhớ thương một hình bóng mình đã mất. Khó mà quên nhanh, khó mà xóa đi trong lòng một nỗi ngậm ngùi.

* Tưởng rằng có thể quên dễ dàng một cuộc tình nhưng hóa ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để xóa cuộc tình kia chỉ là một sự vá víu cho tâm hồn. Những mảnh vá ấy chỉ đủ để làm phẳng lặng bên ngoài mà thôi. Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung.

* Nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.

* Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.

* Có một điều chắc chắn là không có ai làm nghệ thuật một cách không nghiêm túc. Con người còn lắm chỗ, lắm nơi để bày ra những trò phù phiếm. Tuy nhiên, cũng có không ít những người quan niệm rằng làm nghệ thuật không vì một mục đích nào cả nghĩa là muốn hoàn thành một thứ nghệ thuật không có cứu cánh.

* Đã từ lâu tôi muốn qua ca khúc nói được thật nhiều điều. Tôi không chọn ca khúc như một chặng đường để rồi sau đó tu dưỡng hòng nhảy vào những thể loại to lớn hơn. Ca khúc đối với tôi là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh. Nó là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc.

* Tôi chưa bao giờ cảm thấy ca khúc bối rối trước những điều tưởng không nói được. Nó đã đi qua bao nhiêu mùa màng giữa lòng cuộc sống con người và thường nó có mặt bên cạnh con người như một lời an ủi. Cũng vì thế, tôi đã có lần nuôi tham vọng gán ghép cho ca khúc một cái gì đó lớn hơn, tràn đầy ra ngoài cái hình thể nhỏ nhắn và khiêm tốn của nó. Đó chính là sứ mệnh truyền đạt những âu lo, những chờ đợi của con người khi đối diện với chính mình trước cuộc sống. Nó có bổn phận phải cưu mang trong từng dòng nhạc dòng chữ cái phần tinh khiết nhất của hạnh phúc và bất hạnh. Như vậy, ca khúc ngoài cái vai trò “mua vui cũng được một vài trống canh”, nó còn phải đảm nhiệm cái sứ mệnh đẹp đẽ mà các anh chị em họ hàng nghệ thuật của nó đã và đang làm.

* Khi cảm thấy trò chơi cuộc sống có điều gì đó bất ổn thì hãy tìm đến một nơi tịch mịch, khóa kín các cánh cửa lại và giả vờ thả mình vào một cơn đau mộng mị. Cơn đau có thể tùy thích nhưng không thể không đau.

Đau đến mịt mù để cái chết có cơ hội đến nhìn ngắm, thử thách số phận của bạn và vào một lúc tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, bỗng những cơn gió lành đến từ các thảo nguyên xa xôi mang theo mùi hương cốm, hương bạc hà của những loài hoa dại đánh thức bạn dậy và làm hồi sinh những mùa xuân đang ngủ quên trong các mạch máu của bạn. Đó cũng là thời gian phục sinh của các sinh vật nhỏ bé trong các đầm lầy và là thời tỉnh thức của các bậc thiện giả trên các đỉnh núi cao hay trong các hang động.

* Có lẽ trong các trò chơi chung thì trò chơi tình bạn là ít gây phiền não nhất. Nó chỉ có thể vui nhiều hoặc vui ít chứ không thể làm nên những đoạn trường. Nhưng nếu vì không may mà trò chơi tình bạn bỗng dưng gây nên thảm trạng thì hãy từ tốn mở rộng lòng bạn thêm một đôi lần nữa và ngẫm nghĩ. Đừng để ngộ nhận réo gọi thêm ngộ nhận. Đừng để những vết ố của lòng tị hiềm di căn trên niềm tin.

* Vắng bạn đương nhiên là buồn. Nhưng bạn nào và sự có mặt của bạn như thế nào đó mới thật là một niềm vui. Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta một sự thoải mái thảnh thơi tựa hồ như niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng những câu chuyện gắng gượng, nhạt nhẽo.

* Đến một lứa tuổi nào đó, chia vui và chia buồn đều có một nỗi mệt nhọc như nhau.

NHẬT ĐĂNG