Lo lắng trẻ em không đội mũ bảo hiểm đi xe đạp điện
ĐBQH trăn trở về tình trạng học sinh đi hàng ngang, đi hai, đi ba không đội mũ bảo hiểm đi xe đạp điện, xe máy.
Ngày 27/3, các ĐBQH hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) quan tâm tới quy định điều khiển phương tiện giao thông với học sinh. Theo ông Cảnh, đối với xe đạp điển của học sinh có quy định chạy tối đa 25 km/giờ. Tuy nhiên, bộ phận điều khiển có thể chạy tới 45 km/giờ.
Về hướng dẫn của các cơ sở giáo dục, đào tạo với học sinh, ông Cảnh đề nghị, quy định cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh để tham gia giao thông đường bộ theo thời gian, địa điểm được Bộ Giáo dục đào tạo hướng dẫn. Nội dung chương trình theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải. Quy trình đào tạo cho học sinh lái cần xây dựng bộ sách lý thuyết, câu hỏi cho học sinh.
Theo đó, học sinh tự học lái theo giáo trình, tự tập lái trong khuôn viên cơ sở giáo dục hoặc cơ sở tương tự. Ngành giáo dục, công an giải đáp các thắc mắc. Hàng tháng kiểm tra lý thuyết tại trường, kỹ năng lái tại trường hoặc nơi tương đương và cơ sở giáo dục cấp giấy xác nhận đủ điều kiện.
“Trẻ em trên 16 tuổi muốn lái xe trên 50 cc thì phải có chấp nhận của cha mẹ, người giám hộ, lái ở trung tâm sát hạch”, ông Cảnh nêu vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cũng trăn trở về tình trạng học sinh đi hàng ngang, đi hai, đi ba không đội mũ bảo hiểm đi xe đạp điện, xe máy ý thức tuân thủ rất hạn chế.
“Tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông với đối tượng xảy ra là học sinh gia tăng trong thời gian qua. Theo số liệu cơ quan chức năng. Năm 2023 có 900 vụ tai nạn giao thông liên quan tới học sinh, độ tuổi 16-18, làm chết gần 500 người, làm bị thương hơn 800 người. Đây là con số đau xót mà có nguyên nhân từ ý thức chấp hành pháp luật, quy định về giao thông. Phải có cơ chế rõ trong luật để quy định rõ trách nhiệm cơ quan chức năng trong giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của học sinh”, ông Thắng kiến nghị.
Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cũng cho biết, về độ tuổi của người lái xe bà đã gửi văn bản góp ý kiến, trong đó đề xuất xem xét độ tuổi người điểu khiển xe gắn máy tuy nhiên chưa được tổng hợp xem xét.
Bà Chung cho rằng, quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy tại dự thảo luật, kế thừa quy định của Luật an toàn giao thông đường bộ năm 2001, và luật năm 2028. Tuy nhiên, so với 20 năm trước thì nhận thức, thể chất của trẻ em đã tốt hơn rất nhiều. Thực tế hiện nay trung học THPT đã sử dụng xe gắn máy đi học. Trong khi đó, học sinh lớp 10 đang ở tuổi 15, chưa đủ 16 tuổi.
Theo quy định tại Bộ luật lao động, tuổi được tham gia quan hệ lao động là từ đủ 15 tuổi. Nếu sau tốt nghiệp cấp 2, không trúng tuyển vào THPT thì các em có thể đi học trường nghề. Như vậy, theo bà Chung cần nghiên cứu lại quy định này theo hướng: Người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy. “Việc hạ độ tuổi xe gắn máy có tính khả thi và phù hợp với nguyện vọng của cử tri”-bà Chung cho hay.