Môi trường

Hà Nội ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, xử lý nước sông Cầu Bây

Nam Anh 27/03/2024 21:11

Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội vừa ký ban hành kế hoạch 90/KH-UBND về kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Theo đó kế hoạch nhằm kiểm soát có hiệu quả các đối tượng có hoạt động xả nước thải, từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước sông Cầu Bây, góp phần cải thiện chất lượng nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan trong bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước hệ thống thủy lợi Cầu Bây.

Nội dung kế hoạch nêu rõ, yêu cầu các đơn vị tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng quy chuẩn môi trường, đầu tư các hệ thống quan trắc nước thải tự động đối với các nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

a(2).jpg
Dự án cải tạo sông Cầu Bây với tổng vốn đầu tư gần 219 tỉ đồng. Ảnh: Nam Anh.

Chưa hết, nội dung kế hoạch còn thể hiện việc điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn TP.Hà Nội, ưu tiên thực hiện điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông Cầu Bây.

Thành phố cũng lưu ý tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào sông Cầu Bây và các sông nhánh thuộc hệ thống; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải và yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện, các công trình xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

UBND TP.Hà Nội yêu cầu các nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hướng tới mục tiêu kiểm soát, xử lý có hiệu quả nguồn gây ô nhiễm nước sông Cầu Bây. Xác định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Được biết, sông Cầu Bây hình thành từ những năm 1960, bắt nguồn từ hồ Kim Quan (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) chảy qua các phường Phúc Lợi, Sài Đồng, Thạch Bàn (quận Long Biên) và thị trấn Trâu Quỳ, các xã Đa Tốn, Kiêu Kị (đều thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội), đổ vào hệ thống sông Bắc Hưng Hải tại cống Xuân Thụy với chiều dài khoảng 13,9km.

Sông Cầu Bây chảy qua 2 địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Sông Cầu Bây có nhiệm vụ quan trọng trong việc cấp nước sản xuất nông nghiệp và tiêu úng. Tuy nhiên, những năm qua do buông lỏng công tác quản lý nên sông Cầu Bây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Và trước thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng kể trên, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp với tổng vốn đầu tư gần 219 tỉ đồng. Dự án nhằm đảm bảo tiêu thoát nước cho gần 5.760 hecta đất tự nhiên thuộc 14 phường của quận Long Biên; 6 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm và 1 xã của tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, cung cấp nguồn nước tưới cho 400 hecta thuộc 2 phường của quận Long Biên và 2 xã thuộc huyện Gia Lâm.

Nam Anh