Vụ sập cầu Baltimore: Vấn đề của các cây cầu ở Mỹ?
Vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore (Mỹ) đã khơi dậy việc đánh giá kỹ lưỡng không chỉ về cấu trúc cụ thể mà còn về tình trạng chung của các cây cầu trên khắp nước Mỹ, nhiều trong số đó được coi là trong tình trạng kém.
Cho đến nay vẫn chưa rõ liệu vụ sập cầu Francis Scott Key, vốn bị một tàu container lớn đâm vào và đổ xuống sông Patapsco vào sáng sớm hôm 26/3, có phải do lỗi trong cấu trúc hay không. Các quan chức cho biết, con tàu đã đưa ra cảnh báo nguy hiểm vì nó đi chệch hướng và dường như bị mất điện.
Dù Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đang cử một đội điều tra vụ sập cầu thảm khốc khiến 6 người vẫn mất tích, nhưng Thống đốc bang Maryland Wes Moore khẳng định, cây cầu "hoàn toàn đạt tiêu chuẩn". Trong khi đó, một số chuyên gia chỉ ra rằng, nhịp cầu hoàn thành vào năm 1977 đã được hình thành trước thời đại của các tàu container siêu lớn.
Ông Andrew Barr, một chuyên gia về kỹ thuật dân dụng và kết cấu tại Đại học Sheffield, cho biết, “đoạn video ghi lại vụ va chạm không cho thấy bất kỳ khiếm khuyết rõ ràng nào về cấu trúc của cây cầu, nhưng nó không được thiết kế để tồn tại sau một vụ va chạm trực diện với một con tàu lớn như vậy”.
Ông Barr nói thêm rằng, cầu Francis Scott Key dường như không có cơ sở hạ tầng bổ sung để bảo vệ nó khỏi các cuộc va chạm với các tàu chở hàng, vốn ngày càng trở nên rủi ro hơn do kích thước và thiết kế đã thay đổi trong những năm qua. Chỉ riêng trong thập kỷ qua, sức tải trung bình của tàu container đã tăng khoảng 50%.
Tuy nhiên, vụ sập cầu một lần nữa làm nổi bật mối lo ngại về tình trạng chung của các cây cầu ở Mỹ, với hơn 1/3 trong số đó cần được sửa chữa, theo Hiệp hội Xây dựng Đường bộ và Giao thông Mỹ. Hiệp hội cho biết, tình trạng các cây cầu ở Mỹ đã dần được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng hơn 43.000 cây cầu vẫn được coi là ở tình trạng kém và được xếp vào loại “thiếu hụt về mặt cấu trúc”, có nguy cơ bị sập trong tương lai.
Ông Rick Geddes, Giám đốc Chương trình chính sách cơ sở hạ tầng của Đại học Cornell, cho biết: “Thảm họa này cho thấy cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ dễ bị ảnh hưởng như thế nào trước những tai nạn bất ngờ và tàn khốc cũng như sự phá hủy có chủ ý. Chúng ta nên quan tâm đến khả năng phục hồi được cải thiện khi cơ sở hạ tầng cũ kỹ được xây dựng lại. Việc tăng cường bảo vệ chống va chạm giữa tàu và cầu chắc chắn sẽ trở nên nổi bật hơn”.
Theo ông Geddes, thảm họa Baltimore nên được xem như một “cơ hội để xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Mỹ một cách thông minh, bao gồm các vật liệu và thiết kế mới nhằm giảm nguy cơ xảy ra tai nạn trong tương lai, bao gồm cả các cảm biến gắn trên cầu có thể liên lạc theo thời gian thực với các tàu đang đến gần”.
Tình trạng tồi tệ của các cây cầu ở Mỹ đã được chính quyền Tổng thống Biden coi là động lực cho Dự Luật Cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD được ông ký vào năm 2021. Dự luật này dành 110 tỷ USD để nâng cấp đường và cầu.
Tuy nhiên, một số rủi ro nhất định sẽ vẫn tồn tại trong tương lai gần – mỗi ngày có khoảng 167 triệu chuyến đi qua những cây cầu thiếu kết cấu ở Mỹ. Đối với Cầu Francis Scott Key của Baltimore, Tổng thống Biden cho rằng, chính phủ liên bang phải thanh toán toàn bộ chi phí để thay thế nó và kêu gọi Quốc hội ủng hộ.