Pháp luật

“Đại án” tiêu cực ngành Đăng kiểm: Sai phạm xuyên suốt, có tổ chức

LÊ ANH 28/03/2024 07:15

Trong số 254 bị can vừa được Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT), Công an TPHCM đề nghị truy tố sau quá trình điều tra mở rộng vụ án tiêu cực ngành Đăng kiểm Việt Nam, bước đầu đã “bóc tách” được nhiều hành vi, thủ đoạn hết sức tinh vi của các cựu lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của các Chi cục Đăng kiểm, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh, thành trên cả nước.

anh-bai-trem.jpg
Hồ sơ “đại án” ngành Đăng kiểm được Công an TPHCM thu thập trong quá trình điều tra. Ảnh: Công an TPHCM.

Buông lỏng quản lý, chỉ đạo tiêu cực

Theo kết luận điều tra, các bị can nguyên là lãnh đạo tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, gồm bị can Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà (nguyên Cục trưởng) đều có các hành vi về tội “nhận hối lộ”. Riêng bị can Trần Kỳ Hình - nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021 còn bị đề nghị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Toàn bộ các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm được tổ chức xuyên suốt, có tổ chức từ các lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và lãnh đạo các Phòng Kiểm định xe cơ giới, Phòng Tàu sông qua các thời kỳ khác nhau.

Là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam trong một giai đoạn dài, thế nhưng bị can Trần Kỳ Hình liên quan đến việc ký cấp nhiều văn bản thông báo năng lực cho 249 cơ sở đóng tàu. Đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) xác định được 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực này.

Ngoài ra, bị can Trần Kỳ Hình trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam có hành vi nhận hối lộ số tiền lên đến 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD. Đối với bị can Đặng Việt Hà, trong giai đoạn giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm về số tiền đã “nhận hối lộ” của Phòng kiểm định xe cơ giới giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến 30/9/2022 và nhận hối lộ từ các Trung tâm Đăng kiểm tại TPHCM và một số tỉnh, thành khác.

Cũng như bị can Trần Kỳ Hình, bị can Đặng Việt Hà cũng được Cơ quan CSĐT, Công an TPHCM kết luận đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, để xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong thời gian dài.

Đối với các nguyên lãnh đạo tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, kết luận điều tra nêu rõ, các bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, đưa ra nhiều chủ trương trái quy định để nhận hối lộ và chia tiền hối lộ từ các đơn vị trực thuộc đã gây hình ảnh rất xấu đối với dư luận thời gian qua. Đồng thời, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa trên cả nước.

Bỏ qua sai sót để trục lợi

Từ việc buông lỏng lãnh đạo, cũng như đưa ra nhiều chủ trương trái quy định từ các cựu lãnh đạo Cục Đăng Kiểm Việt Nam, các bị can nguyên là cán bộ, nhân viên cấp dưới ở các địa phương, cũng như các bị can thuộc các Phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR), Phòng Tàu sông - Cục Đăng kiểm Việt Nam đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, nhận tiền hối lộ từ các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm. Các hành vi của nhóm bị can này điển hình là bỏ qua các lỗi, thiếu sót về pháp lý, điều kiện hoạt động, đầu tư, mua sắm, nhân sự đăng kiểm viên... của các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm trong quá thẩm duyệt hồ sơ xin thành lập và tổ chức hoạt động. Ngoài ra, kết luận điều tra còn xác định, trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới, các bị can đã có hành vi “nhận hối lộ” từ các Công ty thiết kế phương tiện cải tạo để cấp thẩm định đạt dù có nhiều hồ sơ không đủ điều kiện.

Nhờ được tạo điều kiện từ Cục Đăng kiểm và các phòng, ban bên trên, các Trung tâm/Chi cục Đăng kiểm đã dùng nhiều chiêu trò để nhận tiền hối lộ của các chủ phương tiện, đối tượng môi giới. Các bị can đã bỏ qua nhiều lỗi kỹ thuật của hàng chục ngàn phương tiện nhằm thu lợi bất chính và chung chi lên Cục Đăng kiểm theo chủ trương chung mà các bị can là lãnh đạo cục, lãnh đạo phòng đã đặt ra từ đầu.

Kết luận điều tra cũng xác định, một số trung tâm đăng kiểm không đủ điều kiện nhân lực nhưng đã liên tục giả mạo trong công tác, lập khống danh sách đăng kiểm viên, giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên hoặc đóng giả đăng kiểm viên không thực tế làm việc tại trung tâm đăng kiểm. Một số trung tâm đăng kiểm còn sử dụng phần mềm tự viết có tính năng đọc (lấy) và chỉnh sửa các thông số kỹ thuật đối với phương tiện cơ giới đường bộ để can thiệp, chỉnh sửa kết quả kiểm định (khí thải, phanh, đèn…) của xe cơ giới. Mục đích cuối cùng là nhận tiền bất chính từ các chủ phương tiện.

Liên quan đến quá trình mở rộng điều tra “đại án” tiêu cực ngành Đăng kiểm Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an các cấp cũng đang tiếp tục tiến hành điều tra độc lập đối với 5 vụ án khác, với 55 bị can về các sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm 50-04V, 50-02S, 50-01S, 50-09D, 50-12D. Đến nay, các cơ quan đang khẩn trương kết thúc điều tra theo đúng thời hạn điều tra theo luật định.

Theo Phòng Tham mưu, Công an TPHCM, thời gian qua bên cạnh việc tập trung củng cố tài liệu chứng cứ, kết luận điều tra theo đúng thời hạn, tiến độ được giao, Công an thành phố cũng đã kịp thời báo cáo Bộ Công an kiến nghị Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thực hiện một loạt nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới. Trong số này, thành phố kiến nghị miễn đăng kiểm xe cơ giới lần đầu; giãn cách chu kỳ đăng kiểm; phân cấp phân quyền gắn với thanh tra, kiểm soát chặt hoạt động đăng kiểm cho các địa phương;…

Các kiến nghị của Công an TPHCM nhằm góp phần từng bước quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kiểm định xe cơ giới, vừa góp phần nâng cao an toàn phương tiện và bảo vệ tính mạng con người, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Từ đó, sớm lấy lại niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của ngành đăng kiểm trên phạm vi cả nước.

LÊ ANH