Đổi mới đồng bộ học, thi và hướng nghiệp
Từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT sẽ đổi mới cùng mục tiêu chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 theo hướng thực học, thực nghiệp phát huy năng lực, sở trường học sinh. Từ đó yêu cầu về dạy, học và hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông cũng đặt trước những đòi hỏi mới.
Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) cho hay, trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, tổng chỉ tiêu đại học (ĐH) và tỷ lệ thí sinh nhập học tăng qua các năm. Trong đó, riêng năm 2023, tỷ lệ nhập học ở khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt 64, 44%; tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ đạt 64, 24%; khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt 52, 65%; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 52, 45%.
Các chuyên gia giáo dục nhận định, số thí sinh nhập học ĐH thường nằm trong khoảng 50% tổng số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp cùng năm là bởi những thí sinh này chọn nhiều ngã rẽ như đi như du học, học trường quốc tế, học cao đẳng, trung cấp, hoặc trực tiếp tham gia thị trường lao động.
Theo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), từ năm 2015 đến nay có nhiều đổi mới trong tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển. Trong đó có những đổi mới về: Tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển; đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng; ngưỡng đảm bảo chất lượng; xét tuyển và lọc ảo…
Trước đó, ngày 24/11/2023, Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 4068 về Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, kỳ thi này sẽ có 4 môn (2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn). Bộ GDĐT nhấn mạnh, mục đích tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Như vậy, những đổi mới từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đặt ra yêu cầu cần thay đổi đồng bộ về giáo dục hướng nghiệp, quan điểm dạy và học, tuyển sinh ĐH ở tầm cao mới. Trong đó, hướng giúp người học hình thành xây dựng phương pháp học tập và chọn các môn học ở cấp THCS và THPT phù hợp nhất. Hướng nghiệp giúp người học có khả năng đánh giá bản thân để chọn ngành, nghề phù hợp sau này.
Cùng với đó, việc thi 4 môn tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có nhiều điểm mới (có 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây) với yêu cầu cần đạt là phẩm chất, năng lực chứ không phải kiến thức, kỹ năng như trước. Điều này góp phần khẳng định vai trò các môn học góp phần vào sự thành công của học sinh là như nhau, không có môn chính, phụ, đổi mới giảng dạy, kiểm tra, đánh giá các môn học, quan điểm về học. Học không phải để đối phó với thầy cô, mà học để phát triển phẩm chất năng lực, làm người, cạnh tranh việc làm với trí tuệ nhân tạo. Bởi thực tế có gần 40% thí sinh dự thi tốt nghiệp với mục đích xét tốt nghiệp. Do đó, các môn như Công nghệ, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học… đều rất cần thiết cho những học sinh tham gia học nghề hay trực tiếp lao động sau THPT.
Đổi mới thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng đặt ra yêu cầu tuyển sinh ĐH từ năm 2025 phải thay đổi so với hiện nay. Một mặt, tăng cường thi đánh giá năng lực, mặt khác xây dựng các tổ hợp mới có các môn như Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Hoặc tuyển sinh theo học bạ cần đánh giá toàn diện hơn nữa.
Hiện có những trường đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025. Đơn cử như Trường ĐH Nha Trang đã trở thành trường đầu tiên bỏ phương án sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Thay vào đó, trường xét tuyển theo phương thức kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực. Nhiều chuyên gia giáo dục chung quan điểm, dù các trường thay đổi phương án tuyển sinh ra sao thì mục tiêu cuối cùng vẫn là lựa chọn được học sinh phù hợp. Vì vậy, về phía học sinh, điều quan trọng vẫn là chuẩn bị kiến thức và kỹ năng, tìm hiểu ngành nghề cẩn trọng để có sự lựa chọn không chỉ đúng nguyện vọng yêu thích mà còn phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân.