Nhận diện điểm sáng trong kinh doanh và đầu tư
Kinh tế Việt Nam sắp bước qua quý I/2024 với nhiều điểm sáng tích cực. Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng có cơ sở để tin vào kịch bản tích cực trong phát triển kinh tế năm 2024, cơ hội đang mở ra cho khu vực doanh nghiệp.
Nhìn vào bức tranh 2 tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã có một số điểm sáng tích cực. Điển hình vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ 5 năm qua.
Cùng với đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) 2 tháng liên tiếp tăng trên 50% trong khi giảm liên tục dưới 50% vào cuối năm 2023. Cụ thể, PMI tháng 1 đạt 50,3 điểm, tháng 2 đạt 50,4 điểm. Con số này thể hiện ngành sản xuất bắt đầu cải thiện rõ rệt.
Trong đó, một điểm đáng chú ý là sự sẵn sàng đón dòng vốn FDI mới từ các doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2024 là thời điểm và cơ hội hiếm có với các nhà đầu tư để tham gia vào các chuỗi cung ứng giá trị cao, góp phần tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Chính vì vậy, với chiến lược được chuẩn bị kỹ càng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội từ dòng vốn FDI mới để tăng nội lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Từ đó, kinh tế Việt Nam sẽ dễ dàng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới.
Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành đánh giá, kinh tế Việt Nam có những điểm sáng nhất định. Còn chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn khi lạm phát tăng trong mục tiêu, lãi suất giảm nhẹ và tỷ giá ổn định hơn. Đối với các doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư – kinh doanh dễ dàng hơn. Trong khi đó, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện, niềm tin đã phục hồi, dù còn chậm.
Ông Lực cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần kiên định đúng, trúng, kiên trì; cơ cấu lại hoạt động kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí; đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; tận dụng cơ hội từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc,…
Đối với các nhà đầu tư, theo ông Lực, quan trọng nhất là khẩu vị rủi ro, đa dạng hóa danh mục đầu tư, đòn bẩy tài chính vừa phải, hạn chế tâm lý đám đông, tích luỹ kiến thức kinh nghiệm và sử dụng dịch vụ chuyên môn của các trung gian tài chính.
Riêng về bất động sản, TS Cấn Văn Lực phân tích: Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang dần phục hồi. Ông Lực nhấn mạnh, thị trường bất động sản cần thời gian để khắc phục, nhưng sẽ phục hồi nhanh và phục hồi tốt so với một số nước do Việt Nam không dư cung.
Đưa ra giải pháp để phục hồi thị trường, ông Lực cho rằng cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh. "Bất động sản nên giảm giá chứ không phải tăng giá như thời gian gần đây" – ông Lực nhấn mạnh.
Bà Dương Thị Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho hay: Nếu so sánh giá cùng phân khúc sản phẩm trung cấp với chất lượng tương tự thì giá bất động sản tại TPHCM đang cao hơn khoảng 30% so với thị trường Hà Nội. Giai đoạn 2018-2019, nhà đầu tư miền Bắc vào miền Nam đầu tư thì hiện tại họ đang quay lại thị trường miền Bắc với nhiều dư địa.
Về thị trường chứng khoán, ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment đánh giá cao các chính sách hiện tại đang kích thích mạnh và là điều kiện tốt để chứng khoán phát triển.
Theo ông Trung, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Cùng với đó, các cân đối lớn như thu - chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra. Từ đó, Việt Nam trở thành điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.