Để thị trường vàng giảm “rung lắc”
Sau vài ngày giảm mạnh cả triệu đồng/lượng bởi thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất phá bỏ độc quyền vàng miếng SJC, thì ngày 28/3 giá vàng lại bật tăng dữ dội.
Giá vàng liên tục “quay xe”
Cập nhật dữ liệu ngày 28/3, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết lần lượt ở mức 79,1 – 81,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại thị trường TPHCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 79,1 – 81,1 triệu đồng/lượng. Còn thương hiệu Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giao dịch mức 68,98 – 70,18 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng tương lai giao tháng 4/2024 trên sàn Comex New York tăng 13,4 USD, tương ứng tăng 0,62% lên mức 2.190,6 USD/ounce.
Diễn biến “quay xe” tăng giá cũng khiến nhiều người ngạc nhiên. Song nguyên nhân được chỉ ra là giá vàng trong nước đi lên do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý cũng tăng mạnh lên 2.187 USD/ounce, tăng hơn chục USD mỗi ounce so với buổi sáng. Giá vàng mở rộng đà tăng khi đồng USD suy yếu trên thị trường quốc tế. Chỉ số đồng USD đang ở mức 104 điểm.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, giá vàng bất ngờ tăng trở lại khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thể hiện quan điểm tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ theo hướng có biện pháp ngăn đà giảm giá của đồng Yen so với USD và EUR. Dù vậy, giá vàng sẽ có tăng mạnh trong ngắn hạn về vùng đỉnh cũ 2.200 USD/ounce.
Trong khi đó trước sự biến động mạnh của thị trường vàng, nhiều chuyên gia nhìn nhận, sau biến động sẽ ổn định. Bởi giải pháp đã được NHNN hé ra, dù chưa phải là giải pháp được chốt để trình Chính phủ. Cơ quan này dự kiến thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp (DN) đáp ứng đủ điều kiện.
Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đánh giá những đề xuất của NHNN nếu áp dụng vào thực tế sẽ giúp giải tỏa những khúc mắc của thị trường vàng lúc này. Đó là khi không còn độc quyền vàng miếng SJC, giá vàng trong nước sẽ không còn cao hơn hàng chục triệu đồng so với giá vàng thế giới.
“Khi các DN được trao quyền nhập khẩu vàng, nguồn cung vàng tăng lên giúp cân bằng cung cầu thị trường, cũng như hỗ trợ tốt cho sản xuất, kinh doanh lẫn xuất khẩu vàng nữ trang một cách hiệu quả” - ông Khánh phân tích.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cũng cho rằng nên xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng SJC. “Tôi nghĩ đấy là điều cần thiết, hãy để cho những DN đủ điều kiện được dập vàng miếng bán ra thị trường, nhưng Nhà nước phải kiểm soát số lượng để tránh đầu cơ, vì chúng ta không khuyến khích đầu cơ vàng, nhưng phải đáp ứng nhu cầu chính đáng tích trữ của người dân. Hơn nữa, vàng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nó còn liên quan tới vấn đề dự trữ quốc gia nên phải có sự kiểm soát của cơ quan chức năng” - ông Thịnh nói.
Kiểm soát nhập khẩu vàng bằng hạn mức
Theo ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), giải pháp giải quyết vấn đề này là cho phép các DN được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức, đồng thời xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng. Cho phép nhập khẩu vàng theo hạn ngạch được NHNN cấp trên cơ sở tính toán các yếu tố về kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá… cũng là đề xuất được nhiều chuyên gia kiến nghị. Tuy vậy, cũng phải cân nhắc về giải pháp nhập khẩu vàng bởi bối cảnh dự trữ ngoại hối không quá dồi dào, đánh đổi nguồn ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng dễ gây rủi ro cho nền kinh tế.
TS Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng, nếu không cẩn thận, cho phép nhập khẩu vàng sẽ dẫn tới mất cân bằng cán cân thanh toán tổng thể, chưa nói ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế với bên ngoài.
Ngược lại, PGS Đinh Trọng Thịnh cho rằng hiện nay, các DN đưa ra con số xin nhập là khoảng 150kg vàng nguyên liệu, nếu quy ra giá trị đồng USD thì không lớn. “Mỗi năm, chúng ta nhập khẩu rất nhiều ôtô, cũng như chi rất nhiều USD để nhập những mặt hàng xa xỉ, vậy tại sao lại cấm nhập khẩu vàng? Nếu chúng ta nhập khẩu thì đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân trong việc giao dịch, tích trữ, đồng thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho công nhân chế tác vàng” - ông Thịnh đặt vấn đề.
Đồng thời, ông Thịnh cũng cho rằng, một số DN cũng đang chế tác vàng trang sức cao cấp, tạo ra những sản phẩm tốt, tinh xảo, xuất khẩu đi một số nước được đánh giá cao. Vì vậy, nếu cho nhập vàng nguyên liệu, sản xuất vàng trang sức, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa xuất khẩu ra nước ngoài thu về ngoại tệ. Như thế, lợi cả đôi đường và giúp bình ổn thị trường.
Ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, cần cho phép các DN được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức, đồng thời xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng. Tuy vậy, cũng phải cân nhắc về giải pháp nhập khẩu vàng bởi bối cảnh dự trữ ngoại hối không quá dồi dào, đánh đổi nguồn ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng dễ gây rủi ro cho nền kinh tế. Còn theo TS Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TPHCM), nếu không cẩn thận, cho phép nhập khẩu vàng sẽ dẫn tới mất cân bằng cán cân thanh toán tổng thể, chưa nói ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế với bên ngoài.