Đất vàng và công tác xử lý cán bộ vi phạm
Nguồn lực đất đai của Nhà nước đã bị lợi dụng và lạm dụng khi sử dụng sai mục đích hoặc bán rẻ hơn so với giá thị trường, gây nên những thất thoát thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Đây cũng là nguồn gốc của những tham nhũng, tiêu cực lớn xảy ra trong thời gian vừa qua. Đã có nhiều ý kiến về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc để thất thoát tài sản công.
Cuối năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội ban hành cáo trạng truy tố ông Lưu Quang Tuấn (SN 1959, cựu Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình) và ông Lê Văn Tiến (SN 1956, cựu Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình, nay là phường Mỹ Đình 2, quận Bắc Từ Liêm) về tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Đây không chỉ là vụ việc đơn lẻ Nhà nước mạnh mẽ trong việc xử lý cán bộ có dấu hiệu tiêu cực trong quản lý “đất vàng”.
Cuối tháng 8/2022, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương công bố quyết định thi hành kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến đại án xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3-2). Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương đã quyết định thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Nhiều cán bộ thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài nguyên và môi trường, Cục Thuế tỉnh bị kỷ luật từ rút kinh nghiệm sâu sắc tới khiển trách, cảnh cáo… Đối với Tổng công ty 3-2, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương thi hành kỷ luật cảnh cáo với Ban thường vụ Đảng ủy tổng công ty nhiệm kỳ 2015-2020; cảnh cáo Trợ lý tổng giám đốc Lý Thanh Châu; Chi ủy viên Chi bộ văn phòng thuộc Đảng bộ Tổng công ty 3-2, chuyên viên tài chính - kế toán Đỗ Thị Thanh Thúy.
Ngày 28/11/2023, Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Đắk Lắk thông báo đã họp xem xét, kết luận nhiều nội dung đối với các đảng viên, tổ chức đảng có sai phạm. Đối với vụ việc tổ chức đấu giá, xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất khi giao đất cho 6 hộ dân trúng đấu giá năm 2006 tại khu dân cư số 47 đường Lý Tự Trọng (TP Buôn Ma Thuột) chưa đúng quy định, Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy xem xét trách nhiệm của một số cá nhân liên quan.
Sáng 13/7/2022, ông Nguyễn Văn Ghi, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hoà cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định khai trừ Đảng với nhiều cán bộ khi bị xác định thiếu trách nhiệm trong thẩm định giá đất ở dự án BT (xây dựng - chuyển giao) tại Trường Chính trị tỉnh trên đường Trần Hưng Đạo và Lý Tự Trọng... Cũng năm 2022, giao gần 16.000 m2 “đất vàng” cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại, nhưng chỉ thu được hơn 2 tỉ đồng, 22 cán bộ ở Bạc Liêu bị kiểm điểm, kỷ luật.
Vào năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra số 757 về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TPHCM có nhiều sai phạm. Đáng nói, phần lớn số nhà đất này đã “về tay” Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Hiện vụ án liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được đưa ra xét xử.
Giữa năm 2020, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố nhiều cán bộ đang hoặc từng giữ chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước. Tại Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và nhiều cán bộ thuộc Bộ Công thương bị khởi tố ngày 10/7. Ngày 11/7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến và nhiều cựu cán bộ của thành phố cũng lần lượt bị khởi tố. Một điểm chung là các bị can đều bị khởi tố theo Điều 219 Bộ luật Hình sự, cho tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí”.
Sai phạm trong quản lý đất đai cũng là điểm chính trong hàng loạt vụ án liên quan đến “Vũ nhôm”, “Út trọc” ở Đà Nẵng, hay vụ án liên quan đến cựu đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến.
Trước sức hấp dẫn của “đất vàng” nhiều cán bộ chủ chốt sa ngã và vướng vào vòng lao lý. Quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý các cán bộ, cho dù đó là những cán bộ ở hàng ngũ lãnh đạo cấp cao đã được nhân dân ghi nhận.
Mặc dù vậy, dư luận vẫn còn băn khoăn đối với một số vụ việc như những sai phạm trong việc “hô biến đất công” thành đất riêng tại khu đất 152 Trần Phú (quận 5, TPHCM) đã được Thanh tra Chính phủ và nhiều cơ quan chức năng chỉ rõ. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã ra thông báo thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất trên.
Liên quan đến khu “đất vàng” 152 Trần Phú, kết luận của cơ quan chức năng cho biết, trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm trên thuộc về: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban lãnh đạo Vinataba, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn. Tới thời điểm hiện tại cơ quan chủ quản của Vinataba - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chưa có thông báo chính thức nào liên quan đến vấn đề này. Ông Hồ Lê Nghĩa mới được tái bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐTV của Vinataba, dù ông Nghĩa nằm trong danh sách chức danh các cá nhân mà TTCP yêu cầu phải kiểm điểm trách nhiệm vì các vi phạm pháp luật nghiêm trọng được nêu.
Kết luận thanh tra tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã được Thanh tra Chính phủ công khai từ quý 4/2022, tuy nhiên, đến quý 1/2024, kết quả kiểm điểm, xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân liên quan vẫn chưa được công bố có phải do phụ thuộc vào Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp?
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND TPHCM, UBND TP Hà Nội, Vinataba và các bộ, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương thực hiện đầy đủ, dứt điểm các nội dung kết luận, kiến nghị tại kết luận thanh tra số 966/KL-TTCP ngày 20/9/2022 của Thanh tra Chính phủ.
Văn bản cũng nêu rõ, kết quả thực hiện gửi Thanh tra Chính phủ trước ngày 15/5. Thanh tra Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/6.
Thực tế cho thấy, việc thấy thoát tài sản công, trong đó có “đất vàng” có trách nhiệm của người đứng đầu. Ý kiến trước vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Khâu yếu nhất hiện nay là tự kiểm tra và tự kiểm soát của các đơn vị. Công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả hay không phụ thuộc lớn vào trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước, lĩnh vực mình phụ trách.Yếu kém nhất hiện nay là tự phát hiện và xử lý ở cơ sở. Hầu như các vụ việc được phát hiện và xử lý đều do các cơ quan tiến hành tố tụng, báo chí, qua kiểm tra thanh tra…
Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nêu rõ: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật tránh thất thoát, lãng phí.
Luật sư Nguyên Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh cho rằng, nhà đất công sản là một nguồn lực rất lớn, chính việc buông lỏng quản lý, sử dụng sai mục đích, cấu kết lợi ích nhóm khiến thất thoát nguồn lực của Nhà nước. Quy định pháp luật về quản lý nhà đất công sản đã rất đầy đủ.
"Cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý. Nếu quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, ngân sách có thể thu về cả triệu tỷ đồng để đầu tư đường giao thông, trường học, bệnh viện… Nguyên nhân của thất thoát, lãng phí, tiêu cực từ đất công tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã không ít lần được chỉ ra là do cơ chế còn chồng chéo, phức tạp, thiếu minh bạch. Để giải quyết triệt để, trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhà nước được giao trực tiếp quản lý phải được làm đến nơi đến chốn", Luật sư Truyền nhấn mạnh.