Thông qua nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030
Ngày 29/3 với 92,55% đại biểu HĐND có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tại Nghị quyết này HĐND Thành phố giao UBND Thành phố tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị và ý kiến của đại biểu HĐND Thành phố để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, HĐND cũng giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND Thành phố và đề nghị UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND Thành phố bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết. Đồng thời nêu một số vấn đề cụ thể cần quan tâm thời gian tới. Cụ thể, rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả, giải quyết phù hợp.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những vấn đề như: Thiếu thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; hạ tầng còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng giao thông công cộng chậm phát triển, nhất là đường sắt đô thị; hạ tầng giao thông đường thủy chậm được cải thiện, chưa phát huy hiệu quả. Hạ tầng thu gom, xử lý rác thải, xử lý nước thải còn thiếu và yếu. Hạ tầng phát triển dịch vụ còn chưa đáp ứng yêu cầu; ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường không khí, rác thải, ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng, báo động.
Tình trạng ngập úng khi mùa mưa lũ và tình trạng thiếu nước sạch đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức phức tạp; công tác lập, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị chậm đổi mới, chưa tạo chuyển biến về diện mạo Thủ đô văn minh, hiện đại.
Theo Ban Đô thị, cần nhấn mạnh hơn nữa quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội dựa trên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Bổ sung quan điểm phát triển Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa-di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại; xã hội số-đô thị thông minh; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực.
Về không gian, Ban Đô thị thống nhất với 5 không gian ưu tiên phát triển. Lưu ý làm rõ thêm phân bố trục không gian phát triển kinh tế-xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Cùng với đó cần ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch và dịch vụ; xây dựng mới một số công trình văn hóa hiện đại mang tính biểu tượng thời kỳ mới của Thủ đô; nghiên cứu, xác định một số không gian văn hóa, di sản để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới để bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị di sản, xây dựng hình ảnh thành phố toàn cầu.
Ban Đô thị cũng đề nghị, cần làm rõ nét hơn phương án phát triển trục sông Hồng để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị: Là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Đây chính là động lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới. Đưa ra phương án nghiên cứu, điều chỉnh hành lang thoát lũ, xây dựng đê kiên cố, vĩnh cửu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất các khu vực hai bên bờ sông Hồng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Đối với các khâu đột phá, cần nhấn mạnh hơn về đột phá về hạ tầng giao thông, công trình ngầm, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, kết hợp triển khai có hiệu quả việc di chuyển trụ sở làm việc của bộ, ngành, bệnh viện, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô, khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông. Đưa ra giải pháp đột phá để thu hút nguồn lực cho phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị. Đặc biệt có lộ trình, cơ chế đối với chuyển đổi giao thông xanh. Ngoài ra, cần chú ý mục tiêu về vận tải, hệ thống cao tốc cấp quốc gia, đường thành phố, xử lý các điểm đen, chỉ tiêu về an toàn giao thông, nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 Hà Nội là thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới. Trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc. Trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh-thông minh-thanh bình-thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến. Quy mô dân số thường trú đến năm 2050 khoảng 13-13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt 45.000-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa 80-85% vào năm 2050. Dự báo biến động dân số: Dân số thường trú đến năm 2030 khoảng 10,5 triệu người; đến năm 2045 khoảng 12,5 triệu người và đến năm 2050 khoảng 13 triệu người. Thành phần dân số khác (dân số quy đổi) đến năm 2030 khoảng 1.450.000 người; đến năm 2045 khoảng 2.100.000 người và đến năm 2050 khoảng 2.500.000 người.