“Sống chung” với hạn mặn
Theo Cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Trong khi đó, dự báo tới giữa tháng 5 mùa mưa mới xuất hiện.
Còn theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Riêng tại Bến Tre có nơi mặn xâm nhập còn sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016, là năm hạn mặn kỷ lục xảy ra ở ĐBSCL.
Tại Hội thảo “Sống chung với hạn mặn vùng ĐBSCL”, tổ chức tại Cần Thơ ngày 27/3, một thông tin rất đáng chú ý là 10 năm qua khu vực ĐBSCL đã trải qua 3 mùa khô có mức độ hạn mặn rất nghiêm trọng và có thể phải đối mặt với nhiều mùa hạn mặn khốc liệt trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học tài nguyên nước cho thấy, với tình hình hiện trạng, tổng mức thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL khoảng 70.168 tỷ đồng. Đây là thiệt hại gây ra với hoạt động sản xuất gồm cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản. Nhìn xa hơn thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở các năm 2030, năm 2040 và năm 2050 với mức thiệt hại lần lượt là 72.385 tỷ đồng, 73.530 tỷ đồng và 76.485 tỷ đồng.
Đó là những con số thiết hại rất lớn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết những con số thiệt hại nêu ra kể trên “mới nghe nói đến”, và rằng, nếu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp thì không đến như vậy (tính cả cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản).
Như vậy, dù chưa có sự thống nhất về mức độ thiệt hại do hạn mặn đối với ĐBSCL, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định hạn mặn đã là nguy cơ thường trực đối với cuộc sống người dân cũng như sản xuất nông nghiệp ở khu vực vốn là vùng châu thổ phì nhiêu nhất của cả nước.
Ứng phó với hạn mặn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, khi mà lượng mưa mùa khô ngày càng thấp, nước từ thượng nguồn sông Mekong về ít, mùa nước nổi gần như đã biến mất, triều cường diễn biến phức tạp đẩy mặn theo các dòng sông vào sâu nội đồng. Những yếu tố đó đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái và sinh kế của cộng đồng dân cư vùng ĐBSCL.
PGS Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cho rằng cần xem hạn mặn là “thuộc tính” của ĐBSCL, xảy ra hàng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp. Vì thế, rất quan trọng là công tác dự báo. Nếu dự báo tốt sẽ đảm bảo sản xuất, né được hạn mặn. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và giải pháp công trình hỗ trợ để không phải lo đi chống hạn mặn.
Tuy nhiên, hạn mặn vẫn diễn ra ngày một gay gắt; trong khi nắng nóng kéo dài, lượng nước bốc hơi cao khiến ruộng vườn nhiều nơi khô hạn, nứt nẻ. Cùng việc ứng phó với hạn mặn thì nước ngọt cho ĐBSCL là rất cấp thiết, nhất là với hai tỉnh chịu nhiều tác động là Bến Tre và Cà Mau. Riêng tại Cà Mau, đến thời điểm này toàn tỉnh đang có hơn 1.800 hộ thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Từ đó đặt ra vấn đề điều phối nước ngọt cũng như giải pháp công trình nhằm giảm thiểu hạn mặn toàn vùng. Vì rằng không thể một địa phương nào tự mình có thể “cứu” được mình trong khi biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn.
ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39.734 km2 chiếm 12,2% diện tích tự nhiên cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Quy mô kinh tế khoảng 970.000 tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm trong nước cả nước (con số đến năm 2020). Đáng chú ý, tại “Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023” và Diễn đàn Chính sách “Phát triển Kinh tế ĐBSCL nhìn từ liên kết vùng và hợp tác giữa các địa phương”, cho thấy tỷ trọng đầu tư của vùng so với cả nước giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022. Tuy nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong chỉ số tăng trưởng của ĐBSCL nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế vùng.
Còn theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự phân hóa về tỷ lệ hộ nghèo giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL là rất lớn. Các tỉnh công nghiệp, dịch vụ phát triển có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, trong khi các tỉnh mạnh về nông nghiệp lại có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trong khi đây cũng chính là những địa phương vùng ĐBSCL chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, mà hạn mặn đã được xem như một “thuộc tính”.