Tôm chết hàng loạt, người nuôi bất an
Tại Quảng Nam, nhiều hồ nuôi tôm nước lợ bị bệnh chết khiến người dân rơi vào tình cảnh trắng tay.
Sáng 29/3, chúng tôi có mặt tại xã Tam Thăng và Tam Phú thuộc TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nơi có hơn 150ha tôm thẻ chân trắng, nhưng đến thời điểm hiện tại có hơn 65ha đã bị nhiễm dịch bệnh, tôm chết hàng loạt.
Gặp chúng tôi trong lúc đang dọn về sinh lại hồ tôm, ông Nguyễn Hồ, ở xã Tam Phú buồn rầu nói: “Vụ này gia đình tôi thả nuôi 15 vạn con tôm giống ở 5 ao với diện tích 1.200m2. Tuy nhiên mới nuôi được 2 tuần thì tôm giống chết hàng loạt, chúng tôi đang vệ sinh hồ để tiến hành nuôi tôm thẻ trở lại nhưng đang rất hoang mang vì sợ tôm sẽ tiếp tục chết”.
Theo ông Hồ, trung bình 1 vạn tôm giống, ông mua hơn 1,8 triệu đồng, cộng với tiền thuê người nạo vét, khử trùng hồ nước trước khi thả tôm giống xuống nuôi, tổng cộng hết gần 50 triệu đồng. Tuy nhiên việc tôm giống chết hàng loạt khiến gia đình ông lâm cảnh trắng tay.
Tương tự, ông Trần Văn Biểu (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) cho hay: “Gia đình tôi có 3 ao nuôi tôm, nhưng những ngày gần đây tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân”. Không chỉ gia đình ông Biểu, hiện ở xã Tam Thăng, nhiều ao nuôi tôm khác cũng có tình trạng nước đục ngầu và bốc mùi hôi thối, tôm chết nổi đầy mặt hồ. Vì thế, một số ao được người dân cải tạo lại, bơm nước và chờ thả tôm giống vào thời điểm thích hợp”.
Ông Ngô Lê Hoàng Vũ - cán bộ phụ trách thủy sản UBND xã Tam Phú, TP Tam Kỳ cho biết: “Vụ tôm năm nay toàn xã có 80ha nuôi tôm giống của hơn 400 hộ dân địa phương. Thế nhưng bà con đang lo lắng vì thời tiết chuyển biến xấu, tôm nuôi khó thích ứng. Trên địa bàn đã có hơn 15ha tôm nuôi đã bị chết do dịch bệnh. Theo tôi, tôm chết có thể bệnh đốm trắng gây nên, nhưng khắc chế bằng cách gì cho hiệu quả thì chúng tôi chưa xử lý được”.
Theo ông Vũ, cái khó là bà con thiếu vốn, không có khả năng đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Do đó nuôi tôm không có ao chứa nước lắng, tôm giống không được kiểm dịch nên dịch bệnh thường xảy ra.
Không chỉ ở TP Tam Kỳ mà các ao nuôi tôm nước lợ ở huyện Duy Xuyên và TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng thường xảy ra tình trạng tương tự gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Ông Ngô Văn Hải, ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên cho biết, gia đình ông đã thả nuôi tôm giống trong 2 ao có tổng diện tích hơn 1.000m2. Thế nhưng, lần nào cũng vậy, sau vài tháng, tôm bắt đầu chết gây thiệt hại rất lớn.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay các diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đã được người dân thả nuôi vụ 1 năm 2024, tuy nhiên theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh đốm trắng đã xảy ra trên hơn 20ha tôm thả nuôi ở huyện Duy Xuyên, Hội An và rải rác tại các địa phương khác trong tỉnh.
Nguyên nhân tôm nuôi bị bệnh là do thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh, trong đó có virus đốm trắng. Bệnh còn phát sinh và lây lan do hạ tầng cơ sở nuôi không đảm bảo, không có ao chứa, ao xử lý nước thải...” - ông Vũ nói, đồng thời đưa ra khuyến cáo, người nuôi tuyệt đối không được xả nước trong ao nuôi tôm bị nhiễm bệnh ra môi trường. Các ao tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng, người dân phải xử lý bằng Sodium Chlorite 20% nồng độ 30ppm (tức là 300kg/1ha với mức nước trong ao nuôi là 1m), đóng kỹ cống, giữ nước từ 5 đến 7 ngày. Sau đó cải tạo ao thật kỹ trước khi thả tôm giống nuôi trở lại.