Kinh tế

Nuôi hàu treo dây ở cửa sông Gianh

XUÂN THI 30/03/2024 09:17

Dưới những chiếc bè tre ở phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), người dân thả nuôi hàng vạn dây hàu đại dương, một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.

anh-bai-chinh.jpg
Anh Trần Quốc Trong bên mô hình hàu treo dây của gia đình. Ảnh: X.T.

Những bè hàu tiền tỷ

Từ bao đời qua, mùa nào thức ấy, tùy theo con nước lên xuống, sông Gianh nổi tiếng với những sản vật sông nước như sá sùng, chắt chắt, vẹm xanh... Ở nơi giao thoa 2 dòng nước mặn ngọt khi thủy triều lên xuống, những con hàu bám vào mỏm đá ven bờ đã tạo thêm một sản vật sông Gianh. Đến mùa, người dân rủ nhau đi khẻ hàu nhưng đây là công việc vất vả và nguồn thu nhập bấp bênh… nên ít người duy trì nghề.

Trăn trở thoát nghèo, khoảng 5 năm trước, nhận thấy lợi thế của vùng sông nước, nơi có đặc sản hàu được nhiều người ưa chuộng, anh Trần Quốc Trong (43 tuổi) ở tổ dân phố Thuận Bài, phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) đã đi học nghề nuôi hàu sữa.

Năm 2022, trong một lần tình cờ gặp người bạn của anh Trong ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) làm nghề thợ lặn kể chuyện về nuôi hàu treo dây, anh Trong lặn lội ra các vùng nuôi hàu ở Ninh Bình, Quảng Ninh để học hỏi. Giữa năm 2023, vợ chồng anh Trong đã đầu tư tiền để thử nghiệm mô hình nuôi hàu treo dây. Gần cuối năm, con hàu nuôi treo dây của gia đình anh phát triển khá tốt, tỷ lệ sống đạt gần 98%. Đầu năm nay, vợ chồng anh cùng hùn vốn với 6 hộ khác, mở rộng quy mô nuôi lên 8 bè trên mặt nước lợ ở cửa Gianh với diện tích gần 1,3ha.

Anh Trong chia sẻ, hàu sữa nuôi khoảng 3 tháng và nếu thuận lợi thì thu nhập cũng khá ổn định. Nhưng có vụ gần như mất trắng do thời tiết hoặc nước lũ về chưa kịp thu hoạch. Nhiều gia đình quanh vùng cũng nuôi nhưng được vài vụ rồi bỏ.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình, anh Trong cho biết, bè nuôi hàu được kết từ nhiều thân cây tre, lồ ô to, rỗng ruột xen kẽ các thùng phao lớn để nổi trên mặt nước. Bốn bề bè được cố định bằng nhiều cọc cắm xuống đáy sông để giữ ổn định. Bè nuôi hàu phải đảm bảo tiêu chí có thể kéo đến điểm trú ẩn khi có mưa lũ lớn tràn về. Về con giống, đây là hàu đại dương, được ươm ở các trại giống ở vùng cửa biển tỉnh Quảng Ninh. Con giống sau đó được cấy vào vỏ hàu, buộc vào dây gắn ở dưới các bè nổi.

Theo anh Trong, mỗi bè có khoảng 1 vạn dây treo. Thức ăn của hàu là phù du trong dòng nước. Hàu nuôi 7-8 tháng có thể thu hoạch và có thể nuôi lâu hơn để tăng kích thước nhưng không quá 36 tháng (vòng đời của con hàu đại dương). Theo tính toán, mỗi bè nuôi hàu sau khi hoàn tất, tính cả con giống với chi phí hơn 350 triệu đồng.

Mô hình mới về nuôi trồng thủy sản

Dọc cửa sông Gianh, không chỉ có gia đình anh Trong mà nhiều hộ gia đình khác ở các xã Thanh Trạch, Hạ Trạch (huyện Bố Trạch) cũng liên kết, hùn vốn nuôi hàu treo dây. Ông Lê Quang Công, ở thôn 2, xã Hạ Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết, trước đây gia đình ông nuôi trồng tôm và cua, dần dần con tôm, con cua bị thu hẹp do nhiều lí do nên gia đình chuyển qua nuôi con hàu thương phẩm.

Theo ông Công, giống hàu này thời gian nuôi khá ngắn, khoảng từ 7 - 8 tháng là thu hoạch được. Một dây hàu trưởng thành khoảng 30 - 40 con, trọng lượng từ 10 - 15 kg. Thương lái sẽ về thu mua tận bè và đóng thùng xuất khẩu có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, còn nếu bán lẻ cho thương lái phục vụ thị trường nội địa thì khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg. Hàu nuôi đủ ngày, đủ tháng các thương lái sẽ về thu mua tận bè và đóng thùng xuất khẩu. Hiện tại, những bè nuôi đầu tiên của gia đình ông Công đã hơn 6 tháng, con hàu phát triển đều và chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới.

Ông Lê Ngọc Linh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết, để hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi thuỷ sản, chi cục đã hỗ trợ 6 hộ dân ở xã Hạ Trạch (huyện Bố Trạch) và phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) mô hình nuôi thử nghiệm hàu đại dương ở vùng cửa sông Gianh. Mỗi bè có 20 ô, diện tích 18m2, thả từ 8.000 - 10.000 dây hàu giống được nhập về từ tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Linh, nuôi hàu treo dây ở vùng cửa Gianh đang là mô hình mới và kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Chính quyền địa phương và các phòng chức năng đã chủ động hướng dẫn người dân các quy định về việc sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản, bảo đảm môi trường sinh thái, an toàn giao thông đường thủy nội địa…

XUÂN THI