Tiếng dân

Một doanh nghiệp đa ngành nghìn tỷ khởi kiện MBBank - Bài 4: Dính ‘bẫy’ tài chính ở tài sản đảm bảo?

Nhóm phóng viên 30/03/2024 10:29

Theo giới thiệu của Công ty Quan Minh, doanh nghiệp này kinh doanh đa lĩnh vực, có trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng khi sở hữu: Dự án khu dân cư đô thị Ocean Park, nhà máy cát Minh Châu, hàng trăm héc ta biển nuôi trồng thủy hải sản kết hợp du lịch sinh thái, quyền sử dụng toàn bộ phần vốn góp vốn điều lệ của các thành viên… Theo đánh giá của Công ty này, giữa dịch Covid-19, MBBank chuyển nhóm nợ nhóm 1 xuống nhóm 4 và rao bán đấu giá tài sản Công ty nhanh chóng là một âm mưu đã được sắp đặt.

Rao bán tài sản thế chấp của Cty, đúng hay sai?

Thông tin từ Công ty Quan Minh, dù Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) yêu cầu MBBank không thực hiện việc bán đấu giá tài sản khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng sau đó, MBBank vẫn rao bán tài sản thế chấp của Công ty Quan Minh tại ngân hàng này.

Theo Thông báo “về việc bán tài sản thế chấp phần vốn góp để thu hồi khoản nợ của Công ty Quan Minh (chủ đầu tư Dự án khu đô thị Ocean Park Vân Đồn, Quảng Ninh) tại MB” do Công ty Quản lý nợ và KTTS Ngân hàng TMCP Quân đội (MBAMC) phát hành ngày 17/5/2022 tới Công ty Quan Minh và các chủ tài sản, MBAMC cho biết:

“Để tiếp tục xử lý tài sản để thu nợ, MBAMC tiến hành chào bán tài sản, tìm kiếm đối tác quan tâm và tiến hành thỏa thuận trực tiếp cho đối tác quan tâm (nếu có). Qua quá trình chào bán hiện có 2 đối tác quan tâm, chào mua mức giá cao nhất là 45 tỷ đồng. MBAMC sẽ đàm phán và hoàn thiện thủ tục bán theo phê duyệt của Ngân hàng (MB Bank)”.

anh-quan-minh-9.jpg
Một Góc dự án của Dự án khu đô thị Ocean Park Vân Đồn, Quảng Ninh.

Cũng theo MBAMC tại thông báo nói trên, lý do MBBank đứng ra bán tài sản thế chấp của Công ty Quan Minh là do “MB/MBAMC đã tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp là phần vốn góp 3 lần, tuy nhiên không có đối tác nào mua”.

Trước những nỗ lực bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty Quan Minh của MB Bank, ngày 20/4/2022 Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã ra văn bản yêu cầu MB Bank không thực hiện việc bán đấu giá tài sản đảm bảo khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật giải quyết đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cũng như phản tố của bị đơn.

Được biết, tài sản đảm bảo là toàn bộ vốn góp của chủ sở hữu Công ty Quan Minh thế chấp tại MBBank gồm toàn bộ vốn góp của ông Hoàng Văn Cường, Chủ tịch Công ty Quan Minh, cùng vợ là bà Nguyễn Thùy Dung (chiếm 90% vốn điều lệ Công ty Quan Minh), giá trị tài sản tại thời điểm thế chấp là 225 tỷ đồng.

Cùng với đó, 100% vốn góp của ông Hoàng Bá Dũng tại Công ty Quan Minh (tương đương 10% vốn công ty) tương đương giá trị 25 tỷ đồng cũng được dùng làm tài sản thế chấp ngân hàng.

Trước động thái của MBBank, ông Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty Quan Minh cho biết: Việc MB/MBAMC tự đứng ra bán tài sản thế chấp phần vốn góp của Công ty Quan Minh là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của công ty. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Quan Minh không còn bất cứ khoản nợ gốc, lãi bị quá hạn tại MBBank. Công ty đã thanh toán đầy đủ, toàn bộ các khoản tiền vay và lãi, phí có liên quan.

Bên cạnh đó, MB/MBAMC chào bán phần vốn góp của Công ty Quan Minh mà không thẩm định giá tài sản trước khi bán đấu giá tài sản có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đến giá trị tài sản của Công ty.

“Việc MBBank tự cho mình quyền xác định giá khởi điểm tài sản thế chấp với giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với giá thị trường là hành vi vi phạm pháp luật” - ông Cường khẳng định.

Tài sản góp vốn TTV 0% nhưng khiến doanh nghiệp bên bờ phá sản

Như đã phản ánh, tại Thông báo tài trợ số 199 gửi Công ty Quan Minh ngày 17/5/2019 của Ngân hàng MBBank - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt (Hà Nội): Tài sản bảo đảm cho khoản vay là: (i) Một phần quyền sử dụng đất tại Dự án Ocean Park và; (ii) Phần vốn góp các thành viên góp vốn tại Công ty Quan Minh. Tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp (LTV) duy trì ở mức 60%.

Tuy nhiên, tài sản bảo đảm là phần vốn góp các thành viên và toàn bộ quyền tài sản gắn liền với QSDĐ thuộc Dự án Ocean Park thế chấp được Ngân hàng MB xác định LTV là 0%.

Tài sản đảm bảo cho Hợp đống số 16305 là tổng cộng 16 Hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất có tổng diện tích hơn 5,6 ha tại Dự án Ocean Park trị giá 1.354 tỷ đồng và Toàn bộ phần vốn góp vốn 250 tỷ đồng vốn điều lệ của 2 thành viên trong Công ty Quan Minh.

Nhưng sau đó, quá trình thực hiện Hợp đồng số 16305 Ngân hàng MB - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt mới giải ngân qua 4 khế ước nhận nợ với tổng số tiền là 506,7 tỷ đồng trong khi cam kết tài trợ tối đa là 650 tỷ đồng.

Trong đó, 466,7 tỷ đồng cho tái tài trợ gốc vay trung - dài hạn tại Ngân hàng MSB và 40 tỷ đồng giải ngân cho Công ty Tân Lập theo Hợp đồng số 01/2018/HĐXL/QM-TL), còn 143 tỷ đồng cam kết giải ngân để hoàn hiện hạ tầng kỹ thuật Dự án Ocean Park (đây được coi là mục đích và mục tiêu chính của Hợp đống số 16305) thì lại không được Ngân hàng MB thực hiện nên LTV mới chỉ đạt gần 37,5%. Còn theo quy định của Ngân hàng MB khi xác định LTV 60% tại Thông báo tài trợ số 199/MB-HQV và Hợp đồng số 16305.

Theo đơn tố cáo MBBank của Công ty Quan Minh thì việc đưa 2 thành viên góp vốn điều lệ 250 tỷ đồng, chủ sở hữu lại đang là chủ sở hữu rất nhiều dự án từ Bất động sản, Mỏ cát trắng silic, Nhà máy chế biến cát Minh Châu, Dự án nuôi trồng thủy hải sản và Trồng rừng có giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng... nên khiến doanh nghiệp đa ngành rơi vào thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ khi bị chi phối toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó còn 143 tỷ đồng cam kết giải ngân để hoàn hiện hạ tầng kỹ thuật Dự án Ocean Park không được phía MB Bank giải ngân.

“443 bất động sản thuộc Dự án Ocean Park được Ngân hàng MB định giá là 1.104 tỷ đồng tại 14 hợp đồng thế chấp chính là một phần tài sản của Công ty Quan Minh, tức nó thuộc quyền năng tự quyết của 2 thành viên góp vốn đã thừa rất nhiều so với tỷ lệ LTV 60%.

Và trong gần 4 năm qua, MBBank không giải ngân thêm 143 tỷ đồng cam kết giải ngân để hoàn hiện hạ tầng kỹ thuật Dự án Ocean Park. Vậy việc Ngân hàng MB tiếp tục yêu cầu thêm việc thế chấp phần vốn góp của các thành viên góp vốn là có sự chồng lấn và thậm chí không muốn nói là Ngân hàng MB đã có những tính toán khác mà chúng tôi không nắm được”, ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty Quan Minh nói.

Dưới góc nhìn pháp lý

Luật sư Phan Khắc Nghiêm, Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế đang đặt dấu hỏi có chăng dấu hiệu cho thấy Công ty Quan Minh bị “bẫy tài chính” trong quá trình thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng, cụ thể:

MBBank yêu cầu các chủ sở hữu công ty (thành viên góp vốn) thế chấp toàn bộ phần vốn góp vốn điều lệ nhưng quy định LTV là 0% (Tỷ lệ khoản vay so với giá trị tài sản thế chấp) trong thông báo tài trợ vốn.

Vậy sao đã thế chấp tài sản đủ/thừa để duy trì bảo đảm khoản vay (LTV 60%) rồi mà lại yêu cầu thế chấp phần vốn góp vốn điều lệ? Vì Công ty Quan Minh là công ty đa ngành nghề có nhiều dự án có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ chứ không chỉ có mỗi dự án Ocean Park.

Ngoài ra, theo hồ sơ Công ty Quan Minh cung cấp, chúng tôi thấy, có dấu hiệu cho thấy MBBank ‘bật đèn xanh’ cho phép doanh nghiệp huy động vốn từ các nhà đầu tư đối với một lô đất thuộc dự án đang thế chấp.

Ngân hàng sẽ thu nợ tối thiểu một khoản tiền và phần còn lại sẽ xem xét cấp cho doanh nghiệp để hoàn tất hạ tầng kỹ thuật dự án như cam kết trong hợp đồng tín dụng.

Luật sư Phan Khắc Nghiêm, Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế.
Luật sư Phan Khắc Nghiêm, Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế.

Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng phân phối với một số sàn bất động sản do chính ngân hàng đồng ý hoặc trực tiếp chỉ định và toàn bộ dòng tiền góp vốn của nhà đầu tư được chuyển trực tiếp vào tài khoản của doanh nghiệp mở tại ngân hàng thì ngân hàng lại không thực hiện đúng cam kết.

Theo Luật sư Phan Khắc Nghiêm cũng nêu ra các câu hỏi: "Tiền thì MBBank thu, thì trách nhiệm với nhà đầu tư thuộc về ai? Đã nhận tiền góp vốn các lô đất đang thế chấp thì MBBank tại sao không giải chấp các lô đất đó?".

"Chúng tôi tự hỏi, nếu công ty Quan Minh là một công ty đa ngành như vậy thì khi MBBank thẩm định cho vay tại sao lại không tư vấn và hướng cho doanh nghiệp tách dự án ra từng pháp nhân riêng biệt để tạo sự hiệu quả trong quan hệ tín dụng cho cả hai bên là điều cần làm rõ", Luật sư Phan Khắc Nghiêm, Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế đặt vấn đề.

Nhóm phóng viên