Du lịch đường sắt: Tại sao không?
Trong bối cảnh giá vé máy bay thời gian qua tăng cao, nhiều khách du lịch đã chuyển sang đi tàu hỏa. Chớp cơ hội, ngành đường sắt đang đẩy mạnh việc khai thác những cung đường đẹp để thu hút du khách trong và ngoài nước…
Mới khai thác được một phần tiềm năng
Thời gian gần đây, những tuyến đường sắt gắn với những địa điểm du lịch đang là điểm mạnh để ngành đường sắt thu hút nhiều hành khách lựa chọn tàu hỏa là phương tiện du lịch tiện ích.
Năm 2023, đường sắt Việt Nam được giới thiệu trong cuốn “Amazing Train Journeys” của Lonely Planet - ấn phẩm tập hợp những chuyến đi bằng đường sắt vĩ đại nhất thế giới. Trong đó, tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM được bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới.
Ngày 26/3 vừa qua, ngành đường sắt đã tổ chức chạy tàu trên đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại. Trên hành trình này, tàu sẽ dừng đỗ tại ga Lăng Cô 10 phút để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp, check-in, chụp ảnh vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đi cùng với đó, trong thời gian đầu đưa vào khai thác, đoàn tàu sẽ bao gồm 5 toa xe ghế mềm điều hòa và 1 toa xe sinh hoạt cộng đồng. Tại ga Đà Nẵng và ga Huế, được bố trí phòng chờ VIP để phục vụ hành khách. Trên hành trình, du khách còn được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của địa phương…
Ngoài ra, tại ga Huế và ga Đà Nẵng, ngay khu vực phía trước nhà ga, các địa phương đã bố trí xe đạp cho thuê tự động bằng hình thức quét mã QR để thuận tiện cho du khách tham quan các danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế còn áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá cho các tổ chức, cá nhân khi tham quan các điểm du lịch tại Huế (áp dụng cho 1 lần cho mỗi vé tàu). Dự kiến, trong tháng 4, đoàn tàu sẽ được trang bị wifi để phục vụ hành khách…
Hiện vé tuyến tàu được bán với giá 150.000 đồng/người/lượt cho toàn tuyến Huế - Đà Nẵng, 110.000 đồng cho tuyến Huế - Lăng Cô và 70.000 đồng cho tuyến Lăng Cô - Đà Nẵng.
Sau khi trải nghiệm, chị Nguyễn Thanh Tú - đang sống và làm việc tại Huế - chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi vừa đi tàu hỏa lại vừa được trải nghiệm du lịch một cách đúng nghĩa. Tôi có thể ngắm nhìn cảnh đẹp của núi rừng và biển miền Trung, cùng lúc đó là thưởng thức đặc sản địa phương ngay trên chuyến tàu này. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có thêm nhân viên giới thiệu cho du khách những cảnh đẹp, di tích lịch sử mà đoàn tàu đi qua. Du khách sẽ sẵn sàng trả thêm tiền cho dịch vụ này nếu thấy xứng đáng”.
Trước đó, tuyến Hà Nội - Hải Phòng cũng gây ấn tượng khi sản lượng vận tải hành khách trên tuyến tăng cao, cho thấy nhiều hy vọng cho ngành đường sắt khi đi đúng hướng và sử dụng mô hình hay.
Ông Trần Văn Hạnh - Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng lý giải về nguyên nhân sản lượng hành khách đến Hải Phòng bằng đường sắt tăng đáng kể, là do ngành đường sắt đã kết hợp với Sở Du lịch Hải Phòng trong việc triển khai mô hình trải nghiệm ẩm thực - food tour Hải Phòng đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.
Nói rõ hơn về cách thức thu hút khách đi tàu, ông Hạnh khẳng định, Hải Phòng đã có sự thay đổi lớn về tư duy từ chỗ cung cấp dịch vụ vận tải hành khách đến đặt vận tải trong bức tranh du lịch, phục vụ du lịch. “Về thực tế phục vụ hành khách, chúng tôi lựa chọn những toa xe có chất lượng tốt nhất để đưa vào phục vụ trên tuyến. Đội ngũ cán bộ công nhân viên trên tuyến đều được đào tạo, huấn luyện, nhắc nhở về việc nâng cao chất lượng phục vụ, ý thức làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm. Tiên phong trong việc cho phép mang xe nguyên xăng lên tàu, đồng thời ga Hải Phòng cũng phối hợp với các đơn vị cho thuê xe máy, dịch vụ xe điện để tích hợp sự liên thông trong phương tiện di chuyển. Chúng tôi đặc biệt hướng đến duy trì cho hành khách tâm lý thoải mái, để kéo họ trở lại với đường sắt lần tiếp theo”, ông Hạnh thông tin.
Không chỉ phát triển những chuyến tàu hỏa giá cả bình dân, ngành đường sắt còn hướng tới mục tiêu không ngừng đổi mới và gia tăng các tiện ích phục vụ, hướng tới trải nghiệm tàu hỏa 5 sao như chặng Hà Nội - Đà Nẵng.
Tháng 10/2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã xây dựng thương hiệu đoàn tàu chất lượng cao SE19/SE20 với nhận diện riêng và tăng tính thẩm mỹ để thu hút hành khách tuyến Hà Nội - Đà Nẵng như: Sơn mới và đầu tư một số trang thiết bị nội thất nâng cấp các toa ghế ngồi, toa giường nằm, khu vực rửa tay… đem lại cảm giác sạch sẽ, sang trọng. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, VNR cũng tuyển chọn đội ngũ tiếp viên trên tàu (trưởng tàu, nhân viên phục vụ) là những nhân viên có nhiều kinh nghiệm, có hình thức, kỹ năng, giao tiếp tốt và sử dụng tiếng Anh thành thạo.
Với những thay đổi tích cực trong thời gian qua, ngành đường sắt đã nhận về nhiều tín hiệu khả quan khi đổi mới hình thức lẫn chất lượng phục vụ.
Riêng tại Hà Nội, theo ông Huỳnh Thế Sơn - Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, năm 2023 lượng hành khách đi lại bằng tàu hỏa tăng 42% so với năm trước, trong đó chiếm phần lớn là lượng khách du lịch. Có những đôi tàu, khách du lịch quốc tế chiếm trên 70% lượng khách đi tàu như tàu SP3/4 tuyến Hà Nội - Lào Cai, tàu SE19 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng… Đơn vị đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để thu hút khách du lịch bằng đường sắt.
“Chúng tôi đang xúc tiến làm việc với các địa phương có lượng khách du lịch lớn như Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng… để xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với đường sắt; Đưa nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch như toa xe cộng đồng, đoàn tàu charter... và cùng đối tác xây dựng triển khai đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch hạng sang giữa Hà Nội - TPHCM và đoàn tàu du lịch nội đô giữa Hà Nội - Từ Sơn”, ông Sơn nói.
Từ thực tế trên, có thể thấy ngành đường sắt cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc những vừa vận tải vừa phát triển du lịch, có thêm nhiều chuyến tàu với hình thức du lịch đa dạng để khai thác tiềm năng của tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.726 km chạy qua 21 tỉnh, thành phố cùng nhiều địa danh nổi tiếng đã từng lọt top những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới.
Cần định hướng lâu dài
Đánh giá về những mặt lợi và chỉ ra những thiếu sót của ngành đường sắt trong việc vận tải gắn với phát triển du lịch, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - khoa Kinh tế vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải) cho rằng, những gì chúng ta đã làm được hiện nay vẫn là quá khiêm tốn so với tài nguyên mà ngành đường sắt sở hữu: “Hiện nay, đường sắt vẫn đơn thuần là vận chuyển hành khách mà thiếu đi dịch vụ ở hai đầu và dịch vụ trên hành trình di chuyển. Chính điều này đã khiến du lịch đường sắt chưa thực sự thu hút”, ông Thái nói và nhìn nhận trong tương lai, khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoàn thành thì tuyến đường sắt hiện hữu có thể để làm sản phẩm du lịch nên từ bây giờ cũng cần sớm có phương án khai thác phù hợp.
Đặc biệt với những đoạn tuyến có cự ly ngắn, đi qua nhiều điểm du lịch tập trung và có sự độc đáo thì hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm du lịch.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng giám đốc AZA Travel, để phát triển du lịch đường sắt cần kết hợp các các loại hình dịch vụ khác, bên cạnh việc đầu tư đóng mới, cải tạo các toa xe thì cần phải có những gói bao trọn từ vận chuyển tàu, nghỉ dưỡng, ăn uống được kết nối linh hoạt mới làm hài lòng du khách.
“Bằng cách phát triển có trọng điểm, lựa chọn đầu tư vào những tuyến đường sắt phù hợp du lịch, đáp ứng những hành khách muốn trải nghiệm đường sắt, mà có được chất lượng dịch vụ tốt, trải nghiệm êm ái, có những khoang nhà hàng như food tour bằng đường sắt thì mới có sức hút, có được những đánh giá tốt. Khi dịch vụ đó đủ hấp dẫn thì nó sẽ liên tục có được những lượt khách mới”, ông Đạt nêu ý kiến.
Hiện ngành đường sắt đã và đang khai thác các tuyến tàu gắn với du lịch như TPHCM - Nha Trang, Đà Lạt - Trại Mát, Đà Nẵng - Huế, TPHCM - Bình Thuận, Đà Nẵng - Quy Nhơn... Tàu hỏa leo núi Mường Hoa(Sa Pa) hầu như đều đem lại lợi nhuận và dần thu hút ngày càng đông du khách đến để trải nghiệm.
Tuy nhiên du lịch đường sắt cần thiết thực hơn để phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng. Bên cạnh những đối tượng du khách thông thường cần hướng đến đối tượng du khách hạng sang để thúc đẩy chi tiêu, thu về lợi ích kinh tế.
Trước những tiềm năng sẵn có của khung cảnh thiên nhiên trải dài từ những ngọn núi cao cho đến những vùng biển xanh mát nối tiếp nhau, cùng các chính sách phát triển đường sắt và Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sẽ là những động lực quan trọng để ngành đường sắt phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Nhưng đi kèm với đó cũng đặt ra những thách thức cho ngành đường sắt, cần có những cách làm cụ thể để khắc phục những bất cập hay tâm lý e ngại của du khách khi đi tàu, nhất là về khoản đáp ứng các nhu cầu như ăn uống, khu vệ sinh, nơi thư giãn đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát... thì du lịch đường sắt mới thực sự trở thành thói quen của đông đảo người dân, tạo nên giá trị bền vững cho ngành đường sắt.
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR): Biến các đoàn tàu thành “bảo tàng sống”
Một trong những kết quả bước đầu được ghi nhận về thay đổi VNR trong thời gian là thay đổi tư duy. Tư duy ở đây là tự tin chứ không được tự ti vì trước đây đường sắt trải qua thời gian vất vả nên thấy khó, khổ. VNR đã và đang cùng các đối tác bắt tay nghiên cứu chạy tàu hạng sang trên đường sắt Việt Nam hay xúc tiến hợp tác triển khai Dự án tàu hỏa 5 sao Xuyên Việt để phát triển du lịch, khai thác thương mại.Những “Đoàn tàu 5 sao” sẽ giống như một khách sạn hạng sang, chuyên du lịch, phục vụ khách phân khúc cao, chạy càng chậm càng tốt, chở càng ít người càng tốt, thậm chí có thể nghiên cứu làm cả bể bơi trên tàu, có những dịch vụ rất cao cấp.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang tập trung thực hiện các ý tưởng với khá nhiều đối tác lớn để đưa các khu ga thành những bảo tàng sống, trung tâm di sản, văn hóa, ẩm thực. Dự kiến trong thời gian tới sẽ có những đoàn tàu mang tên các tỉnh, mang những điểm đặc sắc của từng tỉnh lên tàu, không chỉ kết nối du lịch mà còn quảng bá đầu tư.
Ví dụ có đoàn tàu Bắc Ninh sẽ đi khắp cả nước để xúc tiến đầu tư, trên tàu có các đặc trưng của tỉnh, quảng bá văn hóa. Hay sẽ có những đoàn tàu phục vụ di sản, trưng bày cả những giá trị di sản văn hóa như một triển lãm, đến từng tỉnh dừng lại vài ngày cho hành khách xem. Bản thân nhiều đoàn tàu hiện cũng là một di sản sống với đầu máy diesel, hay tới đây là đầu máy hơi nước chạy qua đèo Hải Vân (đã phục chế được 2 đầu máy)...
GS.TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải: Tăng tính kết nối để thúc đẩy du lịch đường sắt
Ngành đường sắt có thể tham gia phát triển du lịch với vai trò là phương thức vận tải phục vụ khách du lịch hoặc trở thành những sản phẩm du lịch đặc biệt. Nhưng so với các loại hình vận tải khác, đường sắt làm du lịch còn có nhiều hạn chế. Du lịch đường sắt có hạn chế lớn là không “door to door” được, không từ cửa tới cửa được, nên phải có sự phối hợp giữa đường sắt và đường bộ.Nhưng năm gần đây, đường sắt đã đẩy mạnh phát triển du lịch hơn trước và cũng thu được những kết quả tốt. Tôi cho rằng đây là điều đáng mừng đối với ngành đường sắt. Đáng chú ý là trong chiến lược phát triển du lịch, đường sắt đã có sự kết hợp với các lĩnh vực vận tải khác như hàng không, đường bộ để tăng thêm tính kết nối, từ đó tạo thêm sự thuận cho du khách. Chính sự kết hợp này đã bù trừ cho nhau, hạn chế điểm yếu và phát huy được điểm mạnh của từng lĩnh vực. Đây là hướng đi đúng nên tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, trên thực tế du lịch đường sắt vẫn còn những khó khăn như hạn chế thời gian, thiết bị và chất lượng dịch vụ nên chưa đáp ứng được nhu cầu du khách. Mặc dù ngành cũng đã có giải pháp kích cầu nhưng chưa đủ chất lượng để du khách lựa chọn đi du lịch bằng đường sắt thường xuyên.
Muốn phát triển du lịch, ngành đường sắt bắt buộc phải đổi mới nhiều thứ, nhất là chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần chú trọng đầu tư cho những đoạn tuyến có cự ly ngắn, đi qua nhiều điểm du lịch tập trung và có sự độc đáo thì mới phù hợp đem làm sản phẩm du lịch. Có thế thì đường sắt mới có thể phát triển bền vững.