Kinh tế

Doanh nghiệp Việt: Ứng phó hiệu quả với điều tra phòng vệ thương mại

DUY KHANG 31/03/2024 07:59

Các doanh nghiệp cần phải chủ động với các vụ kiện phòng vệ thương mại bởi các nước sẽ đẩy mạnh hơn việc bảo hộ sản xuất trong nước.

pvtm293.jpg
Mật ong xuất khẩu bị điều tra chống bán phá giá tại Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 2021. Ảnh: Đăng Duy.

Năm 2024, dự báo xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng, thị trường cũng được mở rộng nhờ việc thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bước vào giai đoạn mới.

Nhiều mặt hàng bị rà soát

Năm 2021, lần đầu tiên mật ong của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá. Đây chỉ là một trong số nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam khi bước chân sang thị trường nước ngoài đối mặt với những vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM). Trong đó, con tôm, cá tra, cá ba sa... đã nhiều lần “nếm trái đắng”. Riêng đối với tôm, doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải trải qua 18 cuộc rà soát lớn, còn cá tra, cá basa thì phải “lãnh” 19 vụ rà soát.

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, song sản phẩm nhôm cũng thường xuyên phải đối diện với các vụ điều tra PVTM. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam, nhôm là vật liệu đa dụng và có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường nên đối mặt với không ít vụ việc PVTM. Gần đây, tần suất vụ việc điều tra PVTM của thị trường xuất khẩu ngày một gia tăng, trong đó có các vụ điều tra chống lẩn tránh PVTM.

Theo ông Kế, hội nhập càng sâu rộng thì xu hướng bảo hộ càng gia tăng. Trước tình hình đó, Hiệp hội Nhôm Việt Nam đã chủ động phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thường xuyên tổ chức tập huấn thông tin về vấn đề này để tạo điều kiện cho các DN nắm bắt thông tin, từ đó chủ động chuẩn bị các hồ sơ nhằm tránh các rủi ro đến từ thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, Hiệp hội thường xuyên phối hợp cập nhật cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương; theo dõi vụ điều tra PVTM trên thế giới cũng như xu hướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam để có thông báo, hỗ trợ DN ứng phó vụ kiện.

Cũng theo khuyến nghị của Hiệp hội Nhôm Việt Nam, các DN ngành nhôm nói riêng và các DN xuất khẩu nói chung cần chủ động lưu trữ có hệ thống dữ liệu, thông tin, hồ sơ chứng từ; trang bị các kiến thức, nhận lực và thậm chí dự phòng tài chính để sẵn sàng ứng phó với các cuộc điều tra PVTM.

Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại cho thấy, số vụ kiện PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, chiếm 65% tổng số vụ việc trong vòng 20 năm qua. Đặc biệt, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã đối diện với 239 vụ việc liên quan đến kiện PVTM và mặt hàng bị điều tra PVTM ngày một đa dạng.

Cùng đó, các vụ việc PVTM trước đây chủ yếu tập trung vào chống bán phá giá, chống trợ cấp tự vệ nhưng gần đây việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM ngày càng nhiều hơn. Không dừng lại ở đó, xu hướng điều tra PVTM đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam ngày càng mở rộng sang các nước đang phát triển cũng như các nước có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Chủ động ứng phó

Theo thông tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng các vụ việc PVTM trong vài năm trở lại đây tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, số lượng các mặt hàng và lĩnh vực của các ngành hàng bị kiện PVTM cũng mở rộng hơn.

Ngoài ra, trước đây chỉ ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam mới bị kiện PVTM nhưng hiện nay kể cả những thị trường mới cũng có số vụ việc PVTM…

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhấn mạnh, kiện PVTM là một quy trình pháp lý, đấu tranh về mặt kỹ thuật rất phức tạp. Trong khi, nhiều DN Việt vẫn còn khá bị động trong khâu ứng phó. Bởi vậy, bà Trang cho rằng, cơ chế cảnh báo sớm sẽ giúp các DN nhìn thấy nguy cơ từ xa để chuẩn bị từ sớm các dữ liệu, công cụ ứng phó với PVTM.

Trước xu thế gia tăng của bảo hộ thương mại tại thị trường quốc tế, để tránh nguy cơ mất thị phần trong nước cũng như tăng cường xuất khẩu hàng hóa, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Công Thương mà đầu mối là Cục Phòng vệ thương mại đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN xử lý, ứng phó hiệu quả với vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thông qua nhiều hoạt động.

Cụ thể, cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra PVTM để DN chủ động có kế hoạch xử lý. Cùng đó, trao đổi kịp thời với hiệp hội, DN để cung cấp thông tin cập nhật giúp DN nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho DN...

Ông Tuấn khẳng định, hoạt động này đã đem lại những kết quả tích cực, ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh DN không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho DN xuất khẩu. Nhờ đó, DN xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước khác cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Giới chuyên gia cũng khuyến cáo, cộng đồng DN cần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm đồng thời đẩy mạnh việc cạnh tranh bằng chất lượng thay vì cạnh tranh bằng sản lượng, đặc biệt hạn chế việc cạnh tranh bằng giá, vì phương thức cạnh tranh này có thể sẽ bị thị trường xuất khẩu “soi” và đưa vào các nghi vấn bán phá giá, nhận trợ cấp...

“Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam trong năm 2022 đến nay tập trung vào điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại với ta như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia... Trong đó, đáng chú ý là các vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại chiếm đa số”, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại.

DUY KHANG