Văn hóa

Gìn giữ hệ thống giếng cổ nghìn năm

Nghĩa Văn 01/04/2024 08:34

Hệ thống giếng cổ tại xã Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội. Tỉnh Quảng Trị đã và đang có những hành động để bảo quản, tu bổ và phục hồi hệ thống giếng cổ này.

anhbaiduoi(2).jpg
Hệ thống giếng cổ vẫn cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Gio An. Ảnh: Đ.T.

Ông Lê Phước Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, hệ thống khai thác và xử lý nước trên địa bàn (còn được gọi là Hệ thống giếng cổ Gio An) với 14 giếng cổ và đã được xếp hạng di tích quốc gia. Đây là hệ thống khai thác và xử lý nước độc đáo, được xây dựng từ hàng nghìn năm trước.

Hệ thống giếng cổ được phân bổ ở 5 thôn thuộc xã Gio An, cụ thể: giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào ở thôn An Nha; giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy ở thôn An Hướng; giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai ở thôn Hảo Sơn; giếng Máng ở thôn Long Sơn và giếng Pheo ở thôn Tân Văn.

Trước đây, hệ thống giếng cổ gắn bó mật thiết và cung cấp nước cho hầu hết nhu cầu của người dân trên địa bàn. Hiện nay, hệ thống giếng này chủ yếu phục vụ sản xuất cho khoảng 70ha lúa và hơn 10ha rau xà lách xoong (còn gọi là rau liệt, một loại cây trồng chủ lực của xã Gio An).

Ông Hiếu cho rằng, quá trình tổ chức sản xuất, canh tác của người dân ngay bên cạnh các giếng và cả phía trên thượng nguồn khiến thảm thực vật bị phá hủy là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến nguồn nước, hiện trạng của các giếng. Theo đó, những năm gần đây, lượng nước tại một số giếng giảm sâu vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng gay gắt; chất lượng nước tại một số giếng cũng bị ảnh hưởng vào mùa mưa lụt.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 2/10/2023, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định số 2228 về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Hệ thống giếng cổ Gio An. Trong đó xác định, Hệ thống giếng cổ Gio An có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định lập quy hoạch di tích Hệ thống giếng cổ Gio An với diện tích 427,8ha (bao gồm khu vực di tích là 3,74ha và vùng đệm bảo vệ mạch ngầm, khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch cộng đồng là 424,06ha).

Trước mắt, xác định chức năng, diện tích đất sử dụng cho khu vực di tích, khu vực phát huy giá trị di tích, khu vực dân cư, khu vực bảo vệ cảnh quan… cũng như hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi quy hoạch; định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp quản lý, đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; làm cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng, quản lý và triển khai các dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát triển du lịch theo đồ án Quy hoạch được phê duyệt.

Về lâu dài, UBND tỉnh Quảng Trị hướng tới bảo quản, giữ gìn hệ thống công trình khai thác nước cổ một cách bền vững trước những tác động của tự nhiên và xã hội; kết nối các công trình trong hệ thống để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử đặc biệt của địa phương và của tỉnh Quảng Trị; phát triển hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật và dịch vụ đáp ứng yêu cầu hoạt động du lịch của du khách trong và ngoài nước.

Ngày 15/3/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định phê duyệt dự toán nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Hệ thống giếng cổ Gio An, chi hơn 3,2 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và xác định Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư đồ án này.

Ông Ngô Quốc Phong - Trưởng phòng Tu bổ, tôn tạo (Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị) cho biết, ngay sau khi nhận được quyết định của UBND tỉnh, đơn vị đã có tờ trình gửi đến Sở Tài chính đề nghị cấp vốn để triển khai nhiệm vụ. Hiện tại, đang chờ được Sở Tài chính và UBND tỉnh cân đối, cấp vốn để thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Hệ thống giếng cổ Gio An.

Nghĩa Văn