Quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ
Chiều 1/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng không nhân dân (PKND).
Tại phiên họp, trình bày tờ trình dự án Luật, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới.
PKND là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương. Thế trận PKND là một bộ phận cấu thành, không tách rời trong khu vực phòng thủ. Hoạt động tác chiến PKND là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta; ngày nay, các phương án tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không và phòng chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường. Từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không.
Theo ông Cương, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND sẽ phần nào làm hạn chế quyền con người, quyền công dân. Theo quy định của Hiến pháp phải được quy định trong văn bản luật. “Luật Quốc phòng và các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ PKND, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới quy định khung, mang tính nguyên tắc nên đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập khung pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động PKND để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, ông Cương nói và cho hay, công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay với sự xuất hiện của tàu bay không người lái đang được các nước nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao. Ở trong nước, tình trạng vi phạm pháp luật của các tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ diễn ra ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không.
Từ những lý do nêu trên, ông Cương cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật PKND là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ông Cương cũng cho biết, mục đích ban hành Luật nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND. Quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về PKND.
Cùng với đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế đất nước, kiên quyết, kiên trì bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thẩm tra dự án Luật, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật PKND với những căn cứ đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Uỷ ban này thấy rằng: Việc ban hành Luật PKND là nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thể chế hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân và Luật Quốc phòng năm 2018 về phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ. Khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành pháp luật về PKND, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đặt vấn đề: Luật có quy định độ cao là 5.000 mét. Vậy căn cứ vào đâu để có quy định về độ cao này?
Giải trình, ông Cương cho biết trong Luật có độ cao 5.000 mét. Phòng không được chia làm 3 loại gồm: Phòng không nhân dân; Phòng không lục quân; Phòng không quốc gia.
Theo ông Cương, phòng không nhân dân nhằm mục đích huy động toàn dân tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân. Còn phòng không lục quân làm nhiệm vụ bảo vệ các đội hình của bộ đội đi cùng với các pháo phòng không. Phòng không quốc gia gồm có tên lửa tầm trung, tên lửa tầm thấp, các loại pháo tích hợp độ cao thấp khác nhau. “Muốn bảo vệ vùng trời quốc gia thì phải có các mức độ cao thấp khác nhau thì mới đánh được các loại phương tiện bay của địch khi xâm nhập vào vùng trời của chúng ta. Qua đó, tạo thành thế trận phòng không dày đặc để bảo vệ vùng trời. 5.000 mét ở phòng không nhân dân là chỉ được trang bị loại hoả lực dưới 5.000 mét, tiêu diệt các mục tiêu dưới 5.000 mét. Do đó quy định phòng không nhân dân có độ cao 5.000 mét”, ông Cương giải trình.
Ông Cương cũng cho biết, hiện đã tổng kết nghị định 36, trên cơ sở đó đang nghiên cứu để sửa nghị định 36. Trước đây máy bay không người lái không quy định kinh doanh theo cái gì. Nhưng tới đây đưa kinh doanh máy bay không người lái là kinh doanh có điều kiện để cấp phép, kể cả kinh doanh từng linh kiện cũng phải đăng ký. Nếu không chỉ cần nhập khẩu các linh kiện cũng sẽ lắp ráp được máy bay không người lái. Nguy hiểm nhất là máy bay không người lái nếu không quản lý được thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đến an ninh quốc gia.
“Không chỉ trong thời chiến mà ngay trong thời bình cũng ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia. Qua các đợt xung đột vừa qua tại các nước thấy họ sử dụng máy bay không người lái hết sức hiệu quả, ít tốn kém mà hiệu quả cao, đánh trực tiếp vào các mục tiêu cần đánh. Thời bình mà chúng ta không quản lý được máy bay không người lái sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia”, ông Cương bày tỏ.