Đổi mới thi: Bắt đầu từ tuyển sinh bậc THPT
Năm học 2025-2026, năm học đầu tiên Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) tuyển sinh trung học phổ thông (THPT) cho lứa học sinh đã học 4 năm theo sách giáo khoa (SGK), chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới).
Đã thành truyền thống, đây là kỳ thi có sự quan tâm đặc biệt của các cấp quản lý giáo dục, của phụ huynh, học sinh cũng như toàn xã hội.
Cụ thể về bối cảnh, năm học 2025-2026 giáo dục phổ thông cả nước có nhiều điểm khác biệt mới. Các lớp học phổ thông được thay SGK mới, không còn tình trạng trong một trường, có khối lớp học theo SGK mới, có khối lớp khác lại học theo SGK cũ. Hoạt động quản lý nhà trường đã được nhất thể hóa ở các cấp học, lớp học. Với góc nhìn các kỳ thi cấp quốc gia, có hai kỳ thi phải chuyển đổi theo mục tiêu của chương trình giáo dục mới.
Thứ nhất, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GDĐT tổ chức. Đến nay, Bộ đã có quyết định thông báo môn thi và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT. Thứ hai, kỳ thi tuyển sinh THPT do các địa phương tổ chức, theo hướng dẫn thi của Bộ GDĐT. Đến thời điểm này vẫn bỏ ngỏ hướng dẫn tuyển sinh. Thực tế nhiều năm qua kỳ thi tuyển sinh THPT được các chuyên gia và xã hội đánh giá là cực kỳ áp lực, thậm chí còn hơn cả kỳ thi tốt nghiệp cấp quốc gia. Ở những thành phố lớn, khu đô thị mới, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển là 60% hay 70% vào trường công. Đây thực sự là cuộc đua khốc liệt của học sinh, cha mẹ các em và toàn xã hội. Một thách thức không nhỏ của chính quyền và các cấp quản lý giáo dục.
Vấn đề đặt ra lúc này là cần có bước đột phá các kỳ thi. Chương trình GDPT 2018 của Việt Nam với mục tiêu là phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Do đó, các thành tố, bao gồm: nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá người học phải đồng bộ với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Riêng mục đích của đổi mới đánh giá người học là điều chỉnh phương pháp dạy của giáo viên và cách học của học sinh, đổi mới công tác quản trị nhà trường và điều chỉnh hoạt động chuyên môn và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm nâng cao chất lượng nhà trường theo mục tiêu chương trình mới.
Trong mấy năm vừa qua, Bộ GDĐT đã quan tâm chỉ đạo đổi mới đánh giá trong các nhà trường. Hình thức “Đánh giá theo quá trình học tập” được các thầy cô chăm chỉ nghiên cứu và làm quen. Bước đầu, giảm hẳn việc so sánh phân loại, “dán nhãn” học sinh, ít coi trọng điểm số và tăng cường nhận xét đánh giá quá trình học tập và giáo dục học sinh. Tuy nhiên “Đánh giá theo quy mô lớn”, như các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp hay vào Đại học (ĐH) và Cao đẳng (CĐ), chưa đổi mới là bao. Trong khi hình thức đánh giá này quyết định lớn tới việc giảm áp lực học tập, tăng giá trị tinh thần cho học sinh, lành mạnh hóa xã hội và góp phần lớn vào đạt hiệu quả tối đa của mục tiêu giáo dục mới. Vì vậy, đổi mới đánh giá các kỳ thi theo quy mô lớn, theo chúng tôi phải có tư duy đột phá theo các định hướng hội nhập sau:
Bài thi đánh giá học tập theo ngành (STEM, nhân văn . . .): Bộ GDĐT xây dựng ngân hàng đủ lớn các bài thi trắc nghiệm về đánh giá năng lực người học. Thí sinh làm bài, theo hướng chuyển dần thực hiện trên máy tính. Kế hoạch đánh giá phải lập theo giai đoạn trung hạn và dài hạn. Nếu trong giai đoạn quá độ, vẫn thi theo môn, nên ít môn và chọn môn cơ bản và nền tảng (Thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là ví dụ);
Kết quả học tập và giáo dục của học sinh: Hiện tại, kết quả hồ sơ học tập của học sinh chưa phản ánh đúng hiện trạng của học sinh, còn bị bênh thành tích, thói tiêu cực làm méo mó kết quả thực của học sinh. Các trường cần tìm nhiều biện pháp khả thi để đẩy lùi cản trở này. Có thể bằng cách tăng cường hoạt động quản lý nhà trường; nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn cùng lòng tự trọng trong học sinh, giáo viên và phụ huynh;
Hoàn thành bài luận vào trường: Thông qua bài luận thể hiện được phẩm chất cá nhân và sự hiểu biết của xã hôi, đặc biệt sự trải nghiệm của học sinh. Giá trị cốt lõi cá nhân cùng những sự hiểu biết, sự thiếu sót hay không hoàn hảo, được học sinh viết và bộc lộ có giầu cảm xúc với lối sống vị thân và vị tha của mình.
Các định hướng trên cũng là phương thức tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ của nhiều nước phát triển trên thế giới.
Theo đó, để đồng bộ với sự đổi mới Chương trình GDPT 2018, hướng dẫn thi tuyển vào THPT nên theo định hướng sau:
Hình thức thi theo một trong hai phương thức: Xét tuyển; Kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Nếu chúng ta vẫn giữ phương thức thi tuyển, sẽ có nhiều địa phương chọn, mặc dù đó là phương thức truyền thống, có trên nửa thế kỷ và không phù hợp với đánh giá người học theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.
Bài thi: hai môn Toán, Ngữ văn hoặc 3 môn Toán, Ngữ văn, Bài tổ hợp tự chọn của các môn KHTN hoặc KHXH. Đề thi theo cấu trúc trắc nghiệm khách quan và hướng vào đánh giá năng lực người học. Môn Ngữ văn thi tự luận.
Bộ GDĐT hỗ trợ các địa phương ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm. Khuyến khích các địa phương tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Căn cứ tuyển sinh được dựa trên: Kết quả làm bài thi hoặc kết quả xét tuyển; Kết quả học tập cấp THCS; Đánh giá bài luận vào trường.