Sức khỏe

Không tự ý mua thuốc Tamiflu chữa cúm

An Thái 02/04/2024 06:29

Những ngày qua, thời tiết chuyển mùa nên nhiều người, trong đó có cả trẻ em mắc cúm. Tuy nhiên, không phải ai cũng đi khám bác sĩ để lấy thuốc kê đơn mà rất nhiều người tự mua thuốc uống.

bai-chinh.jpg
Khi có biểu hiện mắc cúm, cần đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh để mua thuốc theo đơn. Ảnh: Minh Quang.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - nguyên Trưởng Khoa Tai mũi họng trẻ em (Bệnh viện Tai - Mũi- Họng trung ương), cúm là bệnh lý về đường hô hấp do virus cúm Influenza virus gây ra. Trong 3 chủng virus cúm ảnh hưởng đến người (A, B và C) thì cúm A thường gặp nhất, do virus cúm A thường xuyên biến đổi và khả năng lây nhiễm cao. Cúm mùa là một trong những bệnh truyền nhiễm, lây chủ yếu qua đường hô hấp và dễ bùng phát thành dịch. Cúm mùa có thể xảy ra quanh năm nhưng thường gặp vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là thời điểm hiện tại khi thời tiết diễn biến cực đoan.

Cúm mùa có các triệu chứng đặc trưng như sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi, nhưng có thể nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường và cúm. Xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác được bệnh cúm.

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý về hô hấp nói chung và cúm mùa nói riêng có xu hướng gia tăng. Điều đáng nói, nếu không điều trị kịp thời, cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nặng như tổn thương phổi, suy hô hấp phải thở máy; thậm chí là viêm não, viêm cơ tim, tổn thương các cơ quan khác...

Trước thực trạng số ca mắc cúm gia tăng, thị trường mua bán thuốc Tamiflu cũng sôi động hơn. Song theo BS Nga, Tamiflu là thuốc bán theo đơn và không phải cứ mắc cúm là điều trị bằng thuốc này. Mặt khác, thuốc cũng được lựa chọn phụ thuộc vào thời điểm trẻ phát hiện bệnh. Cụ thể, nếu chỉ định thuốc vào giai đoạn sau của cúm thì không có hiệu quả, gây lãng phí, thậm chí có thể dẫn tới các tác dụng phụ không mong muốn.

Theo các chuyên gia, việc tự ý sử dụng thuốc chữa cúm, nguy cơ kháng thuốc rất cao. Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ định với những trường hợp đặc biệt hoặc biến chứng và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu người không bị cúm mà vẫn cho uống Tamiflu sẽ rất nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đáng lưu ý, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu dùng thuốc này nhiều lần sẽ xảy ra tình trạng virus kháng thuốc. Ví dụ một người dù không cúm vẫn uống Tamiflu có thể 2 - 3 năm nữa họ an toàn nhưng tới năm thứ 4 - 5 virus cúm lại quay lại khiến người này bị nhiễm bệnh. Lúc đó, virus có khả năng kháng thuốc, uống Tamiflu cũng sẽ bị “nhờn thuốc”, không còn tác dụng.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, người mắc cúm không nên sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc. Bởi việc uống cùng lúc nhiều loại thuốc trong thời gian ngắn, như uống thuốc cảm tổng hợp cùng với thuốc giảm đau, hạ sốt... Cách làm này không làm giảm triệu chứng mà còn có thể gây ra các biến chứng do vô tình dùng quá liều thuốc. Đơn cử, Paracetamol là hoạt chất chính trong thuốc cảm được chuyển hóa ở gan, nhưng nhiều loại thuốc khác cũng chứa paracetamol nên khi dùng cùng lúc với thuốc cảm tổng hợp, có thể dẫn đến quá liều, khiến gan không thể đào thải thuốc ra khỏi cơ thể và gây tổn thương gan, suy gan, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, khi dùng các chế phẩm cảm lạnh tổng hợp, không nên dùng các chế phẩm đơn lẻ có chứa cùng một thành phần. Cách tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc. Khi dùng thuốc, cần chú ý làm theo hướng dẫn trên bao bì thuốc để sử dụng thuốc an toàn và đúng liều.

Để phòng, chống lây nhiễm cúm, mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi…, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Với người bệnh cần chủ động đeo khẩu trang, vệ sinh tay để không lây bệnh ra cộng đồng.

Trước thực trạng nhiều người tự ý dùng thuốc Tamiflu điều trị cúm, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thống về phòng, chống bệnh cúm để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc kháng virus để điều trị cúm; chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện điều trị cúm theo các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm của Bộ Y tế; chú trọng công tác kê đơn an toàn, hợp lý và hiệu quả, đặc biệt với thuốc kháng virus để điều trị cúm.

An Thái