Xã hội

Tiềm năng khu nuôi biển còn bỏ ngỏ

An Bình 02/04/2024 06:36

Cần áp dụng công nghệ mới, phát triển các địa điểm nuôi trồng thủy sản ngoài khơi - đó là nhận định của giới chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 1/4 tại Quảng Ninh.

anhbaitren-9.jpg
Nghề nuôi trồng thủy sản đã và đang phát triển mạnh mẽ tạo nguồn thu nhập lớn cho ngư dân. Ảnh: M.Hoa.

Tầm quan trọng của nghề nuôi biển

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò của nghề nuôi biển. Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết, nghề nuôi biển có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác tự nhiên, gia tăng giá trị đại dương, đa dạng sinh học, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ngành nuôi biển sẽ tạo ra không gian kinh tế mới, nguồn sinh kế mới và đa dạng sinh học. Ngành công nghiệp nuôi biển ngày càng giữ vai trò chủ đạo, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua để phát triển nuôi biển. Đặc biệt, Quảng Ninh đã thực hiện thay thế hơn 6,85 triệu quả phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo chuyển biến đáng kể về chất lượng môi trường tự nhiên, thúc đẩy nuôi biển bền vững, xây dựng thương hiệu thủy sản Quảng Ninh với các giá trị mới.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thông tin, với đường bờ biển dài 250km, trên 40.000ha bãi triều, gần 19.000ha rừng ngập mặn, 20.000ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2, 3 khu bảo tồn biển, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã quy hoạch 45.246ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản; phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tổ chức sản xuất hiện đại, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp thủy sản và các hình thức hợp tác, chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm...

anh2baitren.jpg
Tôm hùm mang lại giá trị kinh tế cao.

Nhiều tiềm năng để khai thác

Nêu quan điểm của mình, bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết, Na Uy có tiềm năng, lợi thế lớn trong việc phát triển nghề nuôi biển và ngành công nghiệp nuôi biển. Sản lượng xuất khẩu hải sản của Na Uy mỗi năm là 1,3 triệu tấn, trong đó chủ yếu là cá hồi. Để ngành nuôi biển hiệu quả, bền vững thì các nước cần tạo khu vực phù hợp để nuôi dưỡng cá, ưu tiên quy hoạch không gian phù hợp , đảm bảo môi trường. Việt Nam có nhiều khu nuôi biển tốt nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Do đó, Việt Nam cần áp dụng công nghệ mới, phát triển các địa điểm nuôi trồng thủy sản ngoài khơi, xử lý tốt nguồn thải, rác thải; có biện pháp thích ứng với sự thay đổi.

Bà Hilde Solbakken cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nuôi thủy sản ngoài khơi. Na Uy có di sản về nghề cá và có sự đổi mới, chìa khóa là áp dụng công nghệ để tăng sản lượng, mật độ cá nuôi. Cần có sự phối hợp giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các Viện nghiên cứu, trường đại học; có cơ chế bảo hiểm, chia sẻ thông tin.

Hiện nay nghề nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

An Bình