Cơ hội mở cho thí sinh dự tuyển ngành sư phạm
Đề án tuyển sinh của khối trường sư phạm và trường có đào tạo ngành sư phạm cho thấy, có nhiều cơ hội cho thí sinh dự tuyển ngành này.
Cơ hội rộng mở
Cuối tháng 3 vừa qua, hơn 3.500 thí sinh đã tham gia đợt đầu kỳ thi của Trường ĐH Sư phạm TPHCM để lấy điểm xét tuyển vào 7 trường sư phạm cả nước. Theo đó, các thí sinh dự tuyển đã phải làm 6 bài thi gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Nhà trường cho biết, môn thi được đăng ký nhiều nhất đợt này là Toán và Tiếng Anh, đều trên 1.000 học sinh. Kết quả thi đợt 1 sẽ được công bố vào ngày 15-20/4. 4 đợt thi còn lại của trường sẽ diễn ra trong tháng 5 tại Long An, Gia Lai, Đà Nẵng và TPHCM.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, kết quả bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) chuyên biệt được sử dụng trong phương thức xét tuyển kết hợp với học bạ. Nhà trường dự kiến dành tối đa 40% chỉ tiêu của từng ngành theo cách xét tuyển nói trên. Điểm xét tuyển là tổng điểm bài thi ĐGNL chuyên biệt (môn chính) nhân hệ số 2, cộng với điểm trung bình học bạ 2 môn còn lại trong tổ hợp, sau đó quy đổi về thang 30 và cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (nếu có). Bên cạnh đó, kết quả thi ĐGNL chuyên biệt được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm. Đặc biệt, năm nay nhà trường đã tối giản hóa cách thức đăng ký để tạo sự dễ dàng cho các thí sinh đăng ký tham gia. Thí sinh chỉ cần nhập đầy đủ các thông tin cá nhân là có thể tạo được tài khoản đăng ký dự thi.
Năm 2023, có 6 trường sư phạm khác dùng kết quả kỳ thi của ĐH Sư phạm TPHCM để xét tuyển, gồm: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, và các trường sư phạm trực thuộc ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Vinh. Kỳ thi ĐGNL của trường ĐH Sư phạm TPHCM có khoảng 4.400 thí sinh tham gia, đông gấp đôi năm 2022. Điểm trúng tuyển của phương thức xét kết hợp điểm học bạ THPT và điểm thi ĐGNL từ 15,63 - 28,11 điểm.
Mùa tuyển sinh 2024, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ có duy nhất 1 đợt thi ĐGNL, dự kiến diễn ra ngày 11/5. Kỳ thi ĐGNL năm 2024 cơ bản ổn định như năm 2023, cấu trúc bài thi giữ ổn định như các năm trước. Nhà trường sẽ công bố kết quả thi trước ngày 1/6/2024.
Năm 2023, kỳ thi độc lập ĐGNL của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 4.667 thí sinh tham dự. Kết quả bài thi này được 8 trường ĐH công nhận bao gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm TPHCM; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên; Trường ĐH Vinh; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2; Trường ĐH Quy Nhơn. Theo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm khác biệt trong kỳ thi ĐGNL của ĐH Sư phạm so với các trường khác là chia ra từng môn thi (8 môn). PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, mặc dù thách thức rất lớn và áp lực trong việc xây dựng các nguồn ngân hàng đề nhưng vì yếu tố minh bạch, nhà trường sẽ công bố công khai đề thi và toàn bộ đáp án sau mỗi kỳ thi.
Nhiều trường xét tuyển học bạ
Cùng với phương thức nói trên, năm 2024 các trường ĐH sư phạm cũng sử dụng phương thức xét học bạ để tuyển sinh. Trong đó, Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến tiếp tục xét tuyển kết hợp điểm học bạ và kết quả kỳ thi ĐGNL do trường tổ chức với tổng chỉ tiêu khoảng 40%. Cụ thể, trường này tuyển sinh bằng kết quả học tập THPT trong 6 học kỳ (lớp 10, 11 và 12) của 3 môn học để xét tuyển.
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) sử dụng kết quả học tập của 2 học kỳ năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12 để xét tuyển; Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) dự kiến tuyển khoảng 700 sinh viên bằng cách xét học bạ. Năm nay, trường dự kiến tuyển 2.800 sinh viên theo các phương thức: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, xét học bạ THPT, kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo đề án tuyển sinh riêng.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển khoảng 4.400 sinh viên, giữ ổn định 5 phương thức gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét học bạ, dựa vào điểm thi ĐGNL, và xét tuyển kết hợp điểm thi năng khiếu; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 xét tuyển bằng học bạ cho tất cả các ngành. Riêng ngành giáo dục mầm non, giáo dục thể chất và quản lý thể dục thể thao, trường xét kết hợp học bạ với điểm thi năng khiếu.
Trước đó, khi có những băn khoăn về chất lượng tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ, Ths Phan Lê Quốc - Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Sư phạm TPHCM đánh giá kết quả tuyển sinh bằng học bạ vẫn khả quan. Theo đó, nhà trường tiếp tục dành tối đa 10% chỉ tiêu cho phương thức này năm nay.
Còn PGS.TS Lê Hiếu Giang - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, phương thức tuyển sinh đầu vào chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới kết quả học của sinh viên, bởi nhận thức, năng lực của các em còn thay đổi và phát triển trong quá trình học. Quá trình đào tạo tại phổ thông trước mắt đáp ứng yêu cầu của trường ĐH. Về lâu dài, quá trình đào tạo mới quan trọng, là yếu tố quyết định tới chất lượng nguồn nhân lực sau này.