Phân luồng giao thông cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ làm tăng nguy cơ TNGT trên QL 1?
Vừa qua, cơ quan chức năng tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã có văn bản về việc tham gia góp ý về phương án phân luồng giao thông Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn.
Theo đó, vào cuối tháng 3/2024, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản gửi đến cơ quan chức năng tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị về việc xin ý kiến tham gia, góp ý về phương án phân luồng giao thông Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn (cao tốc Cam Lộ - La Sơn).
Không đồng ý phân luồng xe tải trọng lớn lưu thông xuống QL 1
Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trước khi có cao tốc Cam Lộ - La Sơn, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên tuyến QL 1 chiếm tỷ lệ cao, số người chết hàng năm chiếm 48 - 50% trên tổng số toàn tỉnh. Sau khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác sử dụng TNGT trên tuyến QL 1 đoạn qua địa bàn tỉnh giảm rất nhiều, hiện nay số người chết còn chiếm khoảng 18 - 20%.
Hiện nay, tuyến QL 1 qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có chiều dài 113,3km đi qua nhiều khu đô thị với quy mô 4 làn xe, trong đó có làn hỗn hợp xe thô sơ (xe máy, xe mô tô, xe đạp điện…) cùng tham gia.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có 216 đường nhánh đấu nối với QL 1, 46 trường học, 2 bệnh viện, 8 chợ và 5 thị trấn tiếp giáp dọc tuyến QL 1. Vào giờ cao điểm, người và lưu lượng phương tiện ở các khu công nghiệp, khu dân cư ở trung tâm huyện lỵ tham gia giao thông lớn nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất cao.
Đồng thời, tuyến đường tránh qua các TP, đô thị đã hình thành với 2 làn xe với giao thông hỗn hợp (dài 36 km), không có dải phân cách cứng, không được tổ chức giao thông như tuyến cao tốc, đã khai thác nhiều năm chất lượng đường xuống cấp; do đó, khi các phương tiện xe khách trên 30 chỗ ngồi, xe giường nằm, xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ mooc, sơ mi rơ mooc (gọi chung là xe tải trọng lớn) lưu thông trên tuyến đường tránh sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao TNGT hơn khi lưu thông trên tuyến cao tốc.
Ngoài ra, phân tích 2 vụ tai nạn (đặc biệt nghiêm trọng ngày 18/2/203 và rất nghiêm trọng ngày 10/3/2024) trên tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn, Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận thấy, ngoài hạn chế về điều kiện hạ tầng chưa hoàn chỉnh, thì nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp vẫn do ý thức của người tham gia giao thông.
“Từ những căn cứ thực tiễn như trên, Phòng PC08 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế không đồng ý với phương án phân luồng cho các phương tiện xe khách trên 30 chỗ ngồi, xe giường nằm, xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ mooc, sơ mi rơ mooc lưu thông xuống QL 1”, dẫn văn bản Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Phân luồng giao thông tuyến cao tốc cần dựa vào các cơ sở pháp lý
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa qua đơn vị cũng đã có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam về việc tham gia ý kiến đối với phương án phân luồng giao thông cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Tương tự như Thừa Thiên - Huế, từ khi Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác đến nay đã giảm lượng lớn phương tiện lưu thông qua TP Đông Hà và QL 1 phía Nam của tỉnh, qua đó, năm 2023 tỉnh Quảng Trị đã giảm cả 3 tiêu chí do TNGT gây ra.
Ông Trần Ngọc Sơn cho biết thêm, tuyến QL 1 cũng đi qua nhiều khu đô thị của tỉnh Quảng Trị, đặc biệt, đoạn qua TP Đông Hà - trung tâm hành chính của tỉnh đến nay vẫn chưa có đường tránh, các phương tiện liên tỉnh phải đi qua trung tâm TP tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao, nhất là vào khung giờ cao điểm, trời mưa, ban đêm, tầm nhìn hạn chế… Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông làm thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân, gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị đề nghị, Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, cập nhật các số liệu đảm bảo tính chính xác. Việc điều tiết phân luồng giao thông trên tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần dựa trên quy định hiện hành và các cơ sở pháp lý liên quan; phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Hiện tại, không có cơ sở pháp lý nào cấm các xe tải trọng lớn đi vào đường cao tốc.
Trước mắt, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông theo thiết kế và phù hợp tình hình thực tế.
Đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm của người tham gia giao thông trên tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, trong đó tập trung xử lý các lỗi vi phạm: đi sai làn đường, vượt xe sai quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ tối thiểu, tốc độ tối đa…