Đào tạo Nhân lực ngành vi mạch bán dẫn - Bài 1: Bắt kịp xu thế để đào tạo
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Ngành công nghiệp bán dẫn trong nước cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Mục tiêu từ nay đến năm 2030 có khoảng 50.000 kỹ sư phục vụ trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là bài toán không dễ, rất cần sự hợp lực giữa các cơ sở đào tạo, các bộ, ngành và các địa phương. Từ số này, Báo Đại Đoàn Kết đăng tải loạt bài “Đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn”.
Một trong số những ngành học mới được nhiều trường đại học (ĐH) mở thêm trong mùa tuyển sinh năm 2024 nhằm đón đầu nhu cầu thị trường là ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn. Vấn đề đặt ra là cần chuẩn bị về đội ngũ giảng viên và nền tảng cơ sở vật chất; đồng thời các chuyên gia cũng cảnh báo đây là ngành học không thể đào tạo ồ ạt, dễ dãi.
Nhiều cơ hội cho người học
Thống kê sơ bộ cho đến thời điểm này, trong số gần 100 trường đại học (ĐH) cả nước công bố thông tin tuyển sinh, có khoảng hơn 10 trường dự kiến sẽ mở mới ngành Thiết kế vi mạch - Công nghệ bán dẫn hoặc có tên tương đương. Bao gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH FPT,…
Trong đó, ĐH Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, gồm: Điện tử viễn thông, Thiết kế vi mạch, Hệ thống nhúng, Điện/Tự động hóa, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính, Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử, Công nghệ Vi điện tử và nano.
Trường ĐH FPT thành lập Khoa Vi mạch bán dẫn, đào tạo lứa học viên, sinh viên đầu tiên từ năm nay với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch và thực hiện các nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam. Theo chia sẻ của bà Lê Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Viện Đào tạo Quốc tế FPT tại Lễ khai giảng lớp đầu tiên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn quốc tế vừa tổ chức cuối tháng 3 vừa qua: Chương trình Thiết kế vi mạch bán dẫn quốc tế của FPT Jetking sẽ tập trung vào đào tạo thực hành với thời gian chiếm tới 70% tổng thời lượng học. Chương trình đã được nghiên cứu và phát triển bởi Học viện Jetking Ấn Độ và Tổ chức giáo dục FPT, phù hợp cho cả những người chưa có kiến thức về công nghệ thông tin hay điện - điện tử.
Cùng đó, năm 2024, 3 trường kỹ thuật của ĐH Đà Nẵng, gồm: Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn đào tạo ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, với tổng 200 chỉ tiêu. Đại diện nhà trường cho biết sẽ dành suất học bổng cho những sinh viên điểm cao đỗ vào ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.
Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt
Trên thực tế, ngành Công nghệ vi mạch hay Công nghiệp bán dẫn không hoàn toàn mới với Việt Nam, cách đây hơn 10 năm, một số cơ sở giáo dục ĐH đã đào tạo ngành này. Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều và quy mô còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn thấp. Cho đến trước mùa tuyển sinh 2024, cả nước có khoảng 35 cơ sở giáo dục ĐH tham gia đào tạo nhân lực cho một số công đoạn của công nghệ vi mạch. Trong đó, 11 trường ĐH đào tạo ngành gần với ngành này như: Điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện, Điều khiển tự động hóa, Kỹ thuật máy tính….
Ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định, nhu cầu 50.000 người có trình độ ĐH trở lên để phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn là bài toán không dễ. Đào tạo nhân lực lĩnh vực này cần chú trọng theo hướng rộng, sâu, cao; nhân lực được đào tạo phải đạt được trình độ cao và chuyên môn sâu. Vì vậy, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp. Các trường cần đề xuất chính sách ưu đãi thu hút, đào tạo giảng viên, chuyên gia và người học; xây dựng phòng thí nghiệm phù hợp…
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GDĐT đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Theo ông Sơn, để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, không ai khác, chính các cơ sở giáo dục ĐH đóng vai trò chủ yếu. Dẫu thế, đánh giá từ thực tế cho thấy, số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống ở lĩnh vực này còn rất ít. Vì vậy, muốn tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức; từ đó đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho những năm tiếp theo. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục ĐH, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…
Lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, quy mô các ngành liên quan đào tạo thiết kế vi mạch của đơn vị chiếm 22% và các ngành gần chiếm 8% tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Vì vậy, điểm xét tuyển đầu vào các ngành kỹ thuật và công nghệ thường xuyên nằm trong tốp đầu. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên và nghiên cứu của đơn vị khá đầy đủ, chất lượng cao, có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh ở lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế vi mạch…
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Phenikaa chia sẻ: Thời điểm này, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên để tham gia giảng dạy chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Đội ngũ này gồm: Giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy ĐH ngành Kỹ thuật điện tử và các ngành gần; tuyển dụng giảng viên cơ hữu (kể cả người nước ngoài và người Việt Nam) có trình độ, kinh nghiệm thực tế thiết kế, kiểm thử, sản xuất, đóng gói vi mạch được đào tạo từ các nước phát triển; đội ngũ chuyên gia quốc tế và chuyên gia có kinh nghiệm đang làm việc tại các công ty liên quan đến bán dẫn tại Việt Nam dưới dạng hợp đồng thỉnh giảng và hướng dẫn thực hành.
Hợp lực để đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn cũng là câu chuyện được đề cập thời gian qua. GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, tại trường mỗi năm có hơn 1.000 sinh viên được đào tạo ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn. Theo ông Trình, nếu hợp lực giữa các trường thì chúng ta đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo 50.000 người có trình độ ĐH trở lên thuộc lĩnh vực này.
Cẩn trọng trước ngành “hot”
Mặc dù nhu cầu về nhân lực ngành vi mạch bán dẫn đang rất lớn, song nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo cần tránh tình trạng các trường ĐH ồ ạt mở ngành để chạy theo xu hướng, vấn đề chất lượng đầu ra và việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp là các yếu tố cần được tính toán kỹ lưỡng.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quy, giảng viên Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu (ĐH Bách khoa Hà Nội), mục tiêu của nhà trường là đào tạo ra các kỹ sư có am hiểu sâu sắc về kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, có khả năng phát triển các thiết bị và hệ thống điện tử tiên tiến, giải cơn khát nhân lực ngành này. Sinh viên được trang bị kiến thức về các đặc tính vật liệu, quy trình chế tạo và sản xuất linh kiện vi điện tử, thiết kế mạch và tích hợp cấp hệ thống, các hệ nhúng và lập trình nhúng, các hệ điều khiển tự động, cảm biến, internet vạn vật.
Nhìn nhận các cơ sở đào tạo, các ĐH đều đang nâng dần quy mô đào tạo nhân lực ngành này nhằm giải "cơn khát" cho các doanh nghiệp. Song theo ông Quy, việc đào tạo phải thực hiện dần dần, đảm bảo chất lượng thay vì ồ ạt.
Trước những băn khoăn của thí sinh có nên chọn ngành học “hot” như Vi mạch bán dẫn hay không? Tại Ngày hội tư vấn Tuyển sinh - hướng nghiệp 2024, diễn ra ở ĐH Bách khoa Hà Nội mới đây, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa khuyến khích thí sinh tìm hiểu về ngành công nghệ bán dẫn bởi trước mắt ngành này có nhu cầu nhân lực khá cao, cơ hội việc làm tốt. Nhưng đừng vì nó là ngành hot mà "chạy đua" vào. “Trước hết, các em hãy xem mình có thích ngành đó không, có năng lực không, có phát triển không, học phí phù hợp không, điểm chuẩn phù hợp không? Các em hãy tự xác định bản thân, sau đó mới chọn ngành"- ông Khánh nhấn mạnh.
Sớm trình Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Tại buổi làm việc lấy ý kiến dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” vừa qua, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bộ sẽ tập trung tổng hợp ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện đề án và sớm trình Chính phủ. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử. Kỹ sư tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn, từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất. Theo kế hoạch, cả nước sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành tại tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
(còn nữa)