Kinh tế

Dư địa phát triển khu công nghiệp xanh

H.Hương 03/04/2024 08:16

Phát triển khu công nghiệp (KCN) bền vững là tất yếu để bảo đảm tính cân bằng sinh thái trong phát triển kinh tế.

anhbaiduoi-7.jpg
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo để gia tăng sản xuất thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm. Ảnh: M.Hoa.

Kết quả khảo sát thực trạng các KCN theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) với 19 nhóm chỉ tiêu chính, tại 118 KCN trên cả nước năm 2022 của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cùng tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam thực hiện cho thấy, tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG trong các KCN còn thấp: chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số.

Bà Virginia Foote - thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội, CEO Bay Global Straegies đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 hướng tới NetZero vào năm 2050 song cho rằng, các doanh nghiệp (DN) trong KCN cần tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ là điện mặt trời mái nhà mà còn đến từ nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo công suất lớn. Khả năng tiếp cận nước sạch và công nghệ xử lý nước sạch hiệu quả.

Cần có cơ chế thúc đẩy các DN thực thi nghiêm túc, đồng bộ các quy định được đặt ra trong KCN để đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng trong cùng cơ sở, có DN làm nhưng DN thì không. Các địa phương cung cấp cơ sở hạ tầng mềm, có chính sách thu hút nhân lực có tay nghề…; hỗ trợ DN thực hiện và hoàn thiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hải quan, thuế… thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, dư địa để phát triển các KCN xanh, KCN bền vững là rất lớn. Chính phủ cũng đã quy định mô hình khu kinh tế có nhiều chức năng, bao gồm cả KCN. Do đó, việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống KCN, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực và đáng kể vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Chiến lược quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021 - 2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26, là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Theo bà Hiếu, quá trình nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham khảo một số mô hình ở các khu vực như châu Âu, Mỹ và các quốc gia phát triển tại Đông Bắc Á.

Một trong những ví dụ điển hình về KCN sinh thái đó là KCN Kalundborg của Đan Mạch, với chu trình khép kín và khả năng liên kết, trong đó có 11 DN tham gia hưởng lợi từ 7 mạng lưới hợp tác, trao đổi nguyên vật liệu và 6 hệ thống hợp tác trao đổi đổi về nước và năng lượng.

Gần với Việt Nam hơn là thành phố Kawasaki tại Nhật Bản, một thành phố công nghiệp rất lớn. Chỉ trong 10 năm họ đã thực sự chuyển mình từ thành phố công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm sang thành phố xanh, sạch thông qua việc tái chế, tái sử dụng và thực hiện kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, đặc biệt những ngành nghề sản xuất phục vụ tiêu dùng...

Giới chuyên gia khẳng định chuyển hướng KCN bền vững cần thực hiện từ cấp độ DN với những giải pháp hiệu quả để sản xuất sạch hơn hoặc sử dụng năng lượng tái tạo… Nhưng cũng cần vai trò của UBND các tỉnh trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN, để hỗ trợ việc kết nối và thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái, cũng như chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong KCN.

H.Hương