Lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về công tác giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở của MTTQ, ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho rằng, MTTQ cấp cơ sở cần lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trí tuệ, uy tín và bản lĩnh của cán bộ Mặt trận.
PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện công tác giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở của MTTQ Việt Nam trong thời gian qua?
Ông PHẠM NGỌC THẢO: Từ thực tế hoạt động giám sát của MTTQ cơ sở đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở cho thấy nhiều kết quả tích cực. Trong đó, phải kể đến việc Mặt trận đã nắm vững những quy định của pháp luật và hướng dẫn của MTTQ cấp trên, đồng thời luôn bám sát tình hình thực tiễn của địa phương và MTTQ cơ sở, để từ đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia giám sát của MTTQ cơ sở.
Bằng nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, MTTQ đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân; tổ chức các hội nghị nhân dân ở khu dân cư, phát huy dân chủ. Các hội nghị do MTTQ cấp cơ sở tổ chức như: Hội nghị đại biểu Nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền, cấp ủy với MTTQ và nhân dân… thực sự là dịp để động viên nhân dân tham gia bàn việc nước, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Thông qua các hoạt động nói chung và hoạt động giám sát nói riêng, MTTQ đã từng bước tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở, xây dựng địa phương vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Thực tế ở TP Hà Nội, việc MTTQ cấp cơ sở phát huy dân chủ giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đạt kết quả rất tốt. Theo số liệu thống kê của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, trong 5 năm từ 2016 – 2021, các Ban TTND đã tiến hành giám sát 39.258 vụ việc, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết 10.342/11.374 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,91%. Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã được thành lập để tham gia giám sát tại 21,316 công trình dự án xây dựng hạ tầng cơ sở dân sinh ở địa phương. Qua giám sát đã phát hiện hàng nghìn vụ việc có dấu hiệu vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Nhìn chung, những hoạt động của MTTQ cấp cơ sở đã được cấp ủy, chính quyền chủ đầu tư, các nhà thầu và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh những ưu điểm vừa nêu, công tác giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở của Mặt trận còn bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập nào cần khắc phục, thưa ông?
- Bên cạnh kết quả tốt, do nhiều nguyên nhân nên hoạt động của chính quyền cơ sở và hoạt động giám sát của MTTQ cơ sở cũng còn nhiều hạn chế. Về chính quyền cơ sở, một số cơ chế chính sách của nhà nước đề ra chưa phù hợp với thực tế vì vậy quá trình thực hiện ở cơ sở gặp nhiều khó khăn, nhất là về đất đai, nhà ở, trật tự đô thị, môi trường... dẫn đến nhiều xung đột không đáng có giữa chính quyền cơ sở với nhân dân. Đây là vấn đề quan trọng cần được quan tâm.
Về phía MTTQ cơ sở, do những nguyên nhân khách quan tác động cộng với những hạn chế nội tại nên hoạt động giám sát của MTTQ cơ sở cũng còn nhiều hạn chế. Tổ chức và cán bộ Mặt trận nhìn chung còn thiếu, bởi hầu hết là cán bộ hưu trí, cao tuổi, sức yếu, kiêm nhiệm và năng lực cũng có những mặt hạn chế, nhiều nơi rất khó khăn khi tìm cán bộ ở khu dân cư. Trong khi các văn bản pháp luật ngày càng đề cao vai trò và trách nhiệm của MTTQ, nhưng việc tạo điều kiện và cơ chế để MTTQ cơ sở hoạt động còn rất khó khăn và chỉ đảm bảo tối thiểu…
Vậy cần có những giải pháp cụ thể nào nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở của MTTQ, thưa ông?
- Tôi cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Các bộ luật và chính sách ban hành cần sát với thực tế, đảm bảo hài hòa, lợi ích giữa nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp, không để người dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Pháp luật và chính sách phải chặt chẽ, tránh để bị lợi dụng dẫn đến thất thoát tài nguyên, nguồn lực của xã hội. Làm được như vậy sẽ giúp chính quyền cơ sở hoạt động hiệu quả hơn, không còn tình trạng xung đột, mâu thuẫn giữa chính quyền với nhân dân.
UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan cần phối hợp nghiên cứu quy định lại số lượng thành viên Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phù hợp hơn, không nên hạn chế số lượng vì có thời điểm cơ sở có nhiều dự án, nhiều nội dung hoạt động cần có đủ thành viên. Cũng nên xem xét cho phép nhiệm kỳ Ban TTND là 5 năm như nhiệm kỳ của MTTQ cấp cơ sở, khi khuyết số lượng thì bầu bổ sung. MTTQ các quận, huyện cần quan tâm tập huấn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu, tạo điều kiện để Ban TTND hoạt động tốt hơn.
Để làm tốt trách nhiệm giám sát, MTTQ cấp cơ sở cần căn cứ vào quy định của pháp luật, tình hình thực tế ở địa phương và khả năng của mình để lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp, phát huy dân chủ của nhân dân, trí tuệ, uy tín và bản lĩnh của cán bộ MTTQ, các thành viên Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, phối hợp với các lực lượng khác, thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, giúp đỡ chính quyền cơ sở, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Trân trọng cảm ơn ông!