Cục QLTT Hà Nội kiểm tra, xử lý hơn 1.300 vụ việc trong quý I/2024
Trong quý I/2024, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 1.300 vụ việc; xử phạt hành chính gần 26 tỷ đồng; hàng hóa tịch thu và tiêu hủy tái chế gần 24 tỷ đồng.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội, ngày 3/4, đơn vị này tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2024.
Về kết quả công tác quý I năm 2023, đặc biệt tại thời điểm chuẩn bị diễn ra dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 các hoạt động kinh doanh, sản xuất diễn ra sôi động hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm. Giá cả của các loại dịch vụ, hàng hóa về cơ bản có tăng nhẹ do sức mua tăng nhưng phù hợp với quy luật thị trường trong dịp này, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ gây mất ổn định thị trường.
Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố tiếp tục được duy trì, lưu thông thông suốt. Nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Sau Tết Nguyên đán, tình hình hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra tương đối ổn định. không có biến động bất thường. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm, giá cả không có biến động lớn. Trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, các đơn vị đầu mối, phân phối vẫn cung cấp đầy đủ xăng dầu ra thị trường. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội hoạt động bình thường, không có hiện tượng bán cầm chừng hoặc tạm dừng bán hàng do không có xăng dầu.
Tình hình vi phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của QLTT TP Hà Nội vẫn còn khá phổ biến và phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhóm hàng như: buôn bán trao đổi hàng hóa qua mạng, các kênh thương mại điện tử, buôn bán hàng lậu, hàng hóa giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm (bánh trung thu, thịt lợn…), kinh doanh xăng dầu, LPG, kinh doanh rượu, bia, đồ chơi trẻ em, hóa chất (N2O),…
Đặc biệt, hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa qua mạng, các kênh thương mại điện tử diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn bán hàng lậu, hàng hóa giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Trước tình hình đó, yêu cầu công tác phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm và gian lận trên địa bàn thành phố cần có giải pháp cụ thể, thiết thực và góp phần ổn định thị trường an sinh xã hội.
Trước thực tế đó, Cục QLTT TP Hà Nội chỉ đạo các đội QLTT tiếp tục làm tốt công tác rà soát, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, không để các đối tượng lợi dụng tình hình kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, đặc biệt trong môi trường kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến.
Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi đầu cơ, găm hàng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tạo khan hiếm nguồn cung ứng xăng dầu giả tạo để trục lợi bất hợp pháp.
Trong quý I/2024, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 1.300 vụ việc; xử phạt hành chính gần 26 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu là gần 6,3 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy, tái chế hơn 17,5 tỷ đồng.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong các tháng tiếp theo năm 2024, Cục QLTT Hà Nội tiếp tục duy trì công tác kiểm tra định kỳ đã được phê duyệt trong năm 2024; tập trung kiểm tra trọng tâm trọng điểm những lĩnh vực do ngành Công thương quản lý như: bánh kẹo, rượu, bia, xăng dầu…, đặc biệt là trong tháng an toàn thực phẩm 2024.
Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm hành chính, Cục QLTT Hà Nội sẽ chủ động kiểm tra, xử lý ngay các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, tổ chức lấy mẫu kiểm định chất lượng đối với sản phẩm lưu thông và nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, nước giải khát; hoạt động sản xuất, lưu thông các sản phẩm rượu thủ công, rượu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Cục QLTT xây dựng Kế hoạch kiểm tra chuyên đề xăng dầu và mặt hàng vàng theo chỉ đạo của Tổng cục QLTT; chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm… Phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong xúc tiến thương mại trong các đợt khuyến mại tập trung, lợi dụng khuyến mại để trà trộn, đưa vào lưu thông hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm;...