Năng suất lao động vẫn ì ạch
Năng suất lao động luôn là vấn đề được quan tâm vì nó gắn liền với tăng trưởng và thu nhập. Tuy nhiên, tới nay, dù đa có nhiều cải thiện, nhưng năng suất lao động ở Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp trong khu vực - theo báo cáo "Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp", do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố.
Báo cáo đã phân tích, đánh giá về thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng và chuyển dịch năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời đề xuất các giải pháp chủ yếu nâng cao NSLĐ trong thời gian tới. Theo báo cáo, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao NSLĐ, nhờ đó NSLĐ đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ.
Tính trong vòng 10 năm, giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ bình quân mỗi năm của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Năm 2020, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động). Theo giá hiện hành, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc năm 2011 chỉ đạt 29 nghìn đồng/giờ; đến năm 2020 đạt 67,6 nghìn đồng/giờ.
Vẫn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Năm 2022, NSLĐ của toàn nền kinh tế ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021).
Từ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với một số nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Năm 2011, NSLĐ của Singapore gấp 12,4 lần NSLĐ của Việt Nam; Malaysia gấp 4,3 lần. Đến năm 2020, khoảng cách này giảm xuống tương ứng là 8,8 lần và 3 lần.
NSLĐ của Việt Nam trên đà cải thiện nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Tại Đông Nam Á (bao gồm 11 quốc gia), NSLĐ của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (gấp 1,6 lần) và Lào (gấp 1,2 lần). Báo cáo "Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020: Thực trạng và giải pháp" của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy khoảng cách và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước có trình độ phát triển hơn là khá lớn.
Không chỉ đến bây giờ mà nhiều năm qua nỗi băn khoăn vì sao NSLĐ của Việt Nam thấp vẫn như một sự day dứt. Tham luận tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra 4 nguyên nhân chính. Cụ thể là cơ cấu lao động theo ngành chưa hợp lý; tăng trưởng chủ yếu dựa vào mở rộng quy mô các ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp; NSLĐ khu vực doanh nghiệp thấp và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu khi trình độ tay nghề thấp, hạn chế về đào tạo kỹ năng.
Còn theo GS Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhìn vào nền kinh tế có thể thấy quá trình tăng NSLĐ thời gian vừa qua chủ yếu là sự chuyển dịch của lao động từ khu vực có năng suất thấp sang khu vực có năng suất cao. Tuy nhiên, mấu chốt phải là tăng năng suất nội ngành, tức là ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để tăng năng suất. Bên cạnh đó, theo ông Đạt, cùng với sự cải tiến về tiền lương thì rất cần chú trọng đến việc tăng NSLĐ.
Có thể thấy, NSLĐ đi liền với chế độ tiền lương. Ở đây có câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Nghĩa là tăng lương trước hay tăng NSLĐ trước? Mỗi bên đều có cái lý của mình, nhưng nếu đặt vấn đề rằng NSLĐ yếu kém, làm ra ít sản phẩm thì lấy đâu tiền để mở rộng quy mô sản xuất và để tăng lương thì vấn đề sẽ rõ hơn.
Từ 1/7 tới sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Từ đó, “soi” vào NSLĐ, thấy còn nhiều việc phải làm. Trước hết và rất quan trọng là phải xác định rõ ràng vị trí việc làm của từng người, không thể để tồn tại cảnh người làm phải “cõng” người chơi, vì điều đó không chỉ bất công mà còn kéo giảm NSLĐ chung đi xuống.
Sau khi sắp xếp vị trí việc làm, thì đánh giá ra sao, có khách quan không cũng lại là vấn đề. Nếu không làm tốt thì cũng không thể tăng NSLĐ, từ đó cũng không thể có được thu nhập cao hơn.