Xã hội

Gò Công Đông vào mùa ruốc bạc

ĐOÀN XÁ 04/04/2024 08:19

Khác với ruốc đỏ ở khu vực miền Trung và miền Bắc, thời gian này, nhiều ngư dân Tây Nam bộ trúng lớn mùa ruốc bạc (còn gọi là tép bạc), thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày.

anhbaitren(4).jpg
Bà con ngư dân hối hả đón những ghe ruốc cập bến ở Tân Thành. Ảnh: Đ.Xá.

Có mặt ở khu vực Cầu Muống (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) trong cái nắng gay gắt của đất trời phương Nam, chúng tôi bắt gặp nhiều ghe của ngư dân đang cập bến tại đây để xuống ruốc. Khu vực này không phải là bến tàu nhưng ngư dân thường đưa ghe về, vận chuyển ruốc lên bờ bán cho thương lái rồi chạy ghe về trú ở ven biển lân cận. Anh Nguyễn Văn Trường (31 tuổi, ở xã Tân Thành), một chủ ghe cho biết, mùa này đang là thời điểm tốt nhất để đẩy ruốc. “Ruốc ở đây có quanh năm nhưng nhiều nhất là khoàng thời gian từ Tết tới mùa mưa. Hiện đang là lúc ruốc lớn nhất, trắng nhất nên bán được giá nhất. 1 kg ruốc loại 1 là 11.000 đồng, loại 2 là 8.000 đồng và cuối cùng là loại 3 bán cho nhà máy làm thức ăn chăn nuôi với giá 4.000 đồng. Còn nếu bán “đổ đống” thì tùy, dao động từ 7.000 - 9.000 đồng/kg. Ghe chúng tôi có 3 anh em làm nghề đẩy ruốc, mỗi ngày cũng được khoảng 400kg. Sau khi bán và trừ chi phí xăng dầu, mỗi ngư dân cũng kiếm được khoảng một triệu đồng mỗi ngày. Nhưng ở đây chỉ đẩy ruốc những ngày nước lớn thôi, nước rút thì ruốc lắm tạp chất, bán không được nhiều tiền” - anh Trường cho biết.

Theo anh Trường, thuỷ triều lên thường kéo dài khoảng 20 ngày trong tháng và ruốc theo con nước từ ngoài khơi đổ về. Khác với những nghề lưới xa, nghề đẩy ruốc thường chỉ loanh quanh ven bờ nên chi phí ít hơn rất nhiều. Điều này cũng là nguyên nhân khiến thời gian từ sau Tết, hầu hết các ghe ở vùng biển Gò Công Đông đều làm nghề ruốc. Ngoài đẩy lưới hứng ruốc, ngư dân cũng làm nghề đóng đáy, chạy đáy để bắt loại thuỷ sản nhỏ bé này.

Tuy nhiên, đưa được ruốc vào bờ mới chỉ qua một nửa công đoạn. Tiếp theo, ngư dân phải phân loại ruốc bởi vì chúng thường có tạp chất là các loại khác như tôm, ghẹ, cá, cua nhỏ hay rác, cỏ, lá… Và nếu đẩy ruốc là công việc nặng nhọc trên biển của đàn ông thì lựa phân loại ruốc chính là công việc của phụ nữ, người già hay thậm chí các em nhỏ ở các làng biển.

Bà Nguyễn Thị Vạn (62 tuổi, ở ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành) cho biết, bà thường ra khu vực bến cầu để nhặt ruốc thuê. “Thương lái mua ruốc nhưng phải phân loại. Ruốc loại 1 thường được đem về phơi khô. Khô ruốc là đặc sản được ưa chuộng, đem lên TPHCM bán quanh năm. Loại tiếp theo thì làm mắm ruốc. Còn cuối cùng thì đem bán cho nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản. Tôi làm ruốc ở đây mỗi giờ được trả 27.000 đồng. Mùa này ruốc về nhiều, làm từ sáng tới chiều tối không hết việc. Cuối ngày lấy tiền, có khi còn được thêm ít cá tạp nữa. Cá tạp này mình về làm khô hay làm mắm cũng được” - bà Vạn cho biết. Nhìn theo bàn tay thoăn thoắt của bà Vạn, chúng tôi thấy những con ruốc li ti. Phải nhìn kỹ mới thấy chúng màu trắng, ánh bạc trong suốt. Ruốc bạc vùng Gò Công Đông này nổi tiếng là tươi ngon. Ngoài chế biến, ruốc cũng có thể được vận chuyển về TPHCM bán tươi tại một số chợ truyền thống.

Dọc theo vùng ven biển Gò Công Đông từ khu vực Cửa Tiểu tới Tân Thành hay Vàm Làng, Gia Thuận… thời gian này, chúng tôi bắt gặp rất nhiều ghe thuyền làm nghề đánh ruốc của ngư dân cập bến. Với nguồn thu lớn và chi phí ít, ruốc bạc đang trở thành sinh kế cho nhiều ngư dân bám biển nơi đây. Được biết, vùng biển này là ngư trường lớn nhất của tỉnh Tiền Giang với hàng trăm ghe thuyền, chủ yếu làm nghề khai thác ven bờ.

ĐOÀN XÁ