Sức khỏe

Béo phì thách thức sức khỏe cộng đồng

Đức Trân 04/04/2024 08:19

Béo phì ở trẻ em là một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng mang tính toàn cầu. Béo phì ở trẻ em nếu không phòng và điều trị sớm sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

bai-chinh(3).jpg
Thăm khám trẻ thừa cân béo phì tại Viện Dinh dưỡng quốc gia. Ảnh: Đức Trân.

Theo GS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng an toàn thực phẩm, Trường Đại học Y Hà Nội: Song song với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, sức khỏe con người đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, những vấn đề thách thức mới đối với ngành Y tế và toàn bộ người dân Việt Nam cũng xuất hiện, và béo phì là một trong số đó.

Trước đây béo phì gần như chỉ là câu chuyện đáng quan tâm ở những gia đình sinh sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM với tỷ lệ khoảng 5% trẻ nhỏ. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, ở những địa phương nói trên, con số này đã lên tới 40%. Tức là gần một nửa trẻ em tại Hà Nội và TPHCM đang thừa cân, béo phì.

Ở các địa phương khác, số trẻ thừa cân béo phì cũng đang gia tăng nhanh. Đối với người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân béo phì cũng tăng hơn 2 lần so với 10 năm trước. Tình trạng này thực sự đáng báo động, bởi đi cùng với sự gia tăng của tỷ lệ thừa cân béo phì là các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý về tim mạch, ung thư. Đặc biệt, các nghiên cứu đã chứng minh 70% trẻ em béo phì cũng sẽ có nguy cơ béo phì khi trưởng thành.

Mặc dù vậy, bức tranh toàn cảnh về thừa cân béo phì ở nước ta vẫn có không ít điểm sáng. Bằng chứng là vài năm trở lại đây, người dân đã quan tâm về tình trạng thừa cân béo phì của con em và chính bản thân mình hơn trước rất nhiều. Thậm chí, tại đô thị, người ta ngày càng “sợ” béo hơn.

Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, dù ngày càng “sợ” béo, ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề cân nặng, nhưng thay vì sử dụng các phương pháp dinh dưỡng và vận động an toàn và hợp lý thì không ít người lại tìm đến những biện pháp ăn kiêng, giảm cân không khoa học.

PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường (Viện Dinh dưỡng quốc gia) nêu thực trạng: Một thực tế mà chúng tôi đã gặp khá nhiều, đó là khi bố mẹ nhìn con thừa cân, dù lo lắng nhưng không ít phụ huynh vẫn cho con ăn thoải mái. Có những trẻ thừa 10 - 20kg, nhưng bố mẹ vẫn thấy con mình bình thường. Đến khi vào đại học, các em mới thấy lo lắng và tham khảo phương pháp trên mạng để giảm cân. Đương nhiên, khi sử dụng biện pháp không theo khoa học chính thống, không được theo dõi trước và sau khi áp dụng, trẻ có thể gặp hậu quả. Hiện nay, có nhiều hội nhóm, trào lưu để giảm cân.

PGS Nhung phân tích: Thực tế, kể cả người trưởng thành hiện nay cũng chưa có được đánh giá về lâu dài là liệu những chế độ ăn như vậy ngoài tác dụng giảm cân thì có để lại hậu quả gì không. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet năm 2016 nói rằng, chế độ ăn có lượng carbonhydrat (chất đường bột) dưới 40% hoặc trên 70% đều tăng nguy cơ tử vong. Với trẻ em, não sử dụng 25% tổng chất đường bột trong cơ thể. Những chuyển hoá do chế độ ăn không cân bằng, lâu dài có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trong khi đó, Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo, thuốc giảm cân là một thứ có nguy cơ bị lạm dụng. Thuốc cũng có những chất không an toàn cho trẻ nếu không được kiểm soát tốt. Việc kiểm soát, cấp phép các thuốc này cũng phải được cân nhắc kỹ. Hiện, thuốc giảm cân có nhiều cơ chế khác nhau. Một số loại có thể được sử dụng để làm chán ăn. Trong khi số khác gây tiêu chảy, hoặc có thành phần nguy hiểm, gây nguy hại cho sức khoẻ.

Thực tế, theo các bác sĩ, trẻ dễ giảm cân hơn người lớn rất nhiều. Trẻ thừa cân béo phì là do ăn quá so với nhu cầu khuyến nghị. Do đó, chỉ cần cho trẻ ăn đúng tháp dinh dưỡng, theo nhu cầu khuyến nghị, mức độ hoạt động thể lực, ăn cân đối giữa các bữa, thay gạo trắng bằng gạo lứt… tăng hoạt động thể lực, là có thể giúp trẻ giảm cân. Khi áp dụng bền vững, trẻ sẽ giảm cân từ từ và duy trì trong nhiều năm.

Để giảm cân, bố mẹ phải cho trẻ ăn theo suất, đúng năng lượng, đúng bữa. Đồng thời, không cho trẻ ăn thêm các thực phẩm khác, không uống sữa trước khi đi ngủ. Không để đồ ăn nhiều trong tủ lạnh. Đặc biệt, ở trẻ vị thành niên, thức khuya cũng tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Nhiều trẻ thức khuya thường xuyên ăn mì tôm, uống nước ngọt. Khi đó, năng lượng vào đêm được dự trữ thành mỡ, tăng nguy cơ thừa cân béo phì.

Cha mẹ cần tạo thói quen hoạt động thể lực và tập thể dục cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ với các bộ môn thể thao phù hợp theo lứa tuổi. Hạn chế các hoạt động tĩnh như xem ti vi, chơi điện tử… Khuyến khích trẻ tham gia các công việc nhà hàng ngày như dọn nhà, nấu ăn… Theo dõi cân nặng và chiều cao thường xuyên cho trẻ để phát hiện thừa cân béo phì sớm và có hướng can thiệp phù hợp. Giáo dục cho trẻ hiểu về dinh dưỡng, cách lựa chọn các món ăn tốt cho sức khỏe có vai trò quan trọng trong dự phòng thừa cân béo phì ở trẻ em.

Đức Trân