Nỗi lo thiếu điện
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết để tránh lặp lại tình trạng thiếu điện, cắt điện như năm ngoái, Bộ đã ban hành riêng kế hoạch cung ứng điện cho các tháng mùa khô. Tuy nhiên, mối lo thiếu điện đã tăng lên khi mà nhiều ngày ròng rã nắng nóng bao trùm trên phạm vi cả nước, với mức tăng trưởng phụ tải điện 3 tháng đầu năm đã đạt ngưỡng 11,5%.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ Công thương giữ vai trò, trách nhiệm chính trong việc điều hành giá điện; trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện, cũng như tham mưu Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá điện. Bộ Công thương đã ban hành riêng kế hoạch cung ứng điện từ tháng 4 đến tháng 7, trên cơ sở đó rà soát hàng tháng và có báo cáo để điều chỉnh kịp thời.
Khẳng định của lãnh đạo Bộ Công thương phần nào giúp cái nóng hạ nhiệt, nhưng vẫn không xua tan được nỗi ám ảnh mất điện khi mới chớm hè nhưng nhiều vùng đã và đang phải chịu đựng cảnh nắng nóng gay gắt.
Việt Nam có nhiều nguồn sản xuất điện, trong đó có nhiệt điện, thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Nhiều năm qua, việc đầu tư cho ngành điện được Nhà nước rất quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện vào mùa hè vẫn xảy ra như một căn bệnh mãn tính. Đáng chú ý, dự báo nhu cầu sử dụng điện năm 2024 tiếp tục tăng cao so với năm 2023.
Để bảo đảm điện cho mùa hè và cả năm 2024, ngày 14/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 05 về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện. Đó cũng chính là tinh thần “lo trước, lo xa” rất cần thiết. Còn lại, trách nhiệm chính trong việc bảo đảm cung ứng điện thuộc về EVN và Bộ Công thương. Riêng với Bộ trưởng Công thương, Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ cần chỉ đạo EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thực hiện điều hành hệ thống điện đảm bảo cung cấp điện, xây dựng kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện, đảm bảo dự phòng nguồn cung và có khả năng ứng phó, kiểm soát với các kịch bản vận hành cực đoan có thể xảy ra.
Cũng cần nhắc lại, tại cuộc họp báo do Bộ Công an tổ chức (ngày 26/3), lãnh đạo Cục An ninh điều tra khi thông tin thêm về tiến độ điều tra vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công thương, đã nhận định đây là vụ án rất phức tạp, xảy ra trên phạm vi rộng, và diễn ra trong thời gian dài. Tháng 11/2023, Cơ quan điều tra đã khởi tố 8 bị can về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, trong đó có cán bộ Cục Điều tiết điện lực và EVN. Đáng chú ý, tháng 1/2024, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, đối với cựu thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Như vậy, có thể thấy, giải quyết “lình xình” trong chính cơ quan sản xuất, cung ứng điện là rất cần thiết. Không lý gì với một quốc gia dồi dào nguồn sản xuất điện mà người dân, doanh nghiệp vẫn phải chịu cảnh thiếu điện vào mùa hè. Hệ thống điện gió, điện mặt trời đã được khuyến khích phát triển nhiều năm nhưng vẫn chưa đóng góp nhiều cho mạng lưới điện quốc gia. Đó là điều rất khó hiểu và khó chấp nhận.
Thêm nữa, cho đến thời điểm này, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023, nhưng vẫn chậm trễ trong triển khai. Kết luận của Thường trực Chính phủ về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 vào cuối tháng 2/2024 nêu rõ: Việc hoàn thiện kế hoạch là yêu cầu rất quan trọng, cấp bách, không được để chậm trễ, làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án và việc cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân.
Trở lại với việc lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu điện như mùa hè 2023, đó là tin tốt, nhưng vẫn cần đợi thêm thời gian.
Vì thế, trước mắt đòi hỏi từng hộ gia đình, từng cơ quan, doanh nghiệp chủ động tiết kiệm điện. Đặc biệt khi cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cho rằng nền nhiệt mùa hè năm nay có thể còn cao hơn năm ngoái, năm mà cả điện sinh hoạt lẫn điện sản xuất đều bị cắt giảm. Mà cao điểm là tháng 6/2023, tháng được lãnh đạo Bộ Công thương coi là “sự cố đáng tiếc”.