Sức khỏe

Bệnh cúm ở người cao tuổi dễ chuyển nặng

Đức Trân 04/04/2024 08:23

Mặc dù hầu hết các trường hợp mắc cúm mùa thường nhẹ và tự khỏi, tuy nhiên bệnh có thể gây biến chứng nặng và tử vong ở một số đối tượng như người cao tuổi, trẻ em.

bai-chinh(4).jpg
Bệnh nhân mắc cúm mùa được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa trung ương. Ảnh: BVCC.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hàng năm ở Việt Nam trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Số người nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền (tim mạch, hô hấp, nội tiết), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

Thông tin từ Bệnh viện Lão khoa trung ương, từ sau Tết đến nay, do thời tiết thay đổi liên tục, nóng lạnh thất thường, số lượng người bệnh nhập viện tăng khoảng 150% so với trước đó. Theo TS.BS Trần Quang Thắng - Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) lý giải, thời tiết thay đổi là điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ. Người cao tuổi với chức năng đề kháng bị suy giảm, trong điều kiện thời tiết này thường dễ mắc nhiễm trùng, đặc biệt là cúm mùa và các loại vi khuẩn đường hô hấp như phế cầu. Khi các tác nhân này gây bệnh sẽ làm phức tạp các bệnh lý nền như đái tháo đường, suy thận, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính…, làm cho các bệnh lý này dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm, cũng như đe dọa đến tính mạng người cao tuổi.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng đang điều trị cho hơn 10 ca mắc bệnh cúm A trong tình trạng nặng, đáng lo ngại khi có 2 trường hợp nhiễm cúm A nguy kịch đang phải lọc máu, thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực là người cao tuổi.

Mặc dù ở hầu hết trường hợp, cúm mùa thường có biểu hiện nhẹ và tự khỏi sau 1-2 tuần. Tuy vậy, bệnh nặng hơn thường gặp ở người cao tuổi và những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim. Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng.

TS.BS Phạm Như Hùng - Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam cho biết, các nghiên cứu gần đây cho thấy có sự liên quan giữa bệnh lý tim mạch và cúm mùa. Tử vong do tim mạch và cúm mùa có đỉnh cùng thời gian với nhau. Bệnh nhân bị cúm có nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần so với không bị cúm. Một nghiên cứu ở Mỹ năm 2020 cũng cho thấy trên 300.000 bệnh nhân nhập viện do cúm thì có 11,5% bệnh nhân có biến chứng tim mạch nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy 31% những bệnh nhân này cần chăm sóc tim mạch đặc biệt và 7% tử vong.

Đối với người cao tuổi, nhiều trường hợp ban đầu chỉ là triệu chứng cúm thông thường như sốt, đau nhức, ho, ngạt mũi. Tuy nhiên, sau đó, bệnh tiến triển nặng rất nhanh, khi nhập viện đã khó thở, đau tức ngực, mê man.

Thậm chí, một số trường hợp bị viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp cấp. Viêm phổi ở người lớn tuổi ít khởi phát đột ngột mà thường âm ỉ, đôi khi không có biểu hiện rõ ràng. Đa số trường hợp chỉ sốt, kèm theo chảy mũi, ho, dễ nhầm lẫn với cảm lạnh trong mùa mưa rét.

Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể xuất hiện những biểu hiện khó thở, tím tái, lơ mơ thậm chí là suy hô hấp dẫn đến tử vong. Theo thống kê, cứ 4 ca tử vong do cúm thì có 3 ca là người trên 65 tuổi.

BSCKII Dương Quốc Bảo - Phó Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội) khuyến cáo, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm mùa là vô cùng cần thiết, nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng cúm mùa là tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus cúm, ngăn ngừa nhiễm bệnh. Mọi người nên tiêm vaccine cúm để kịp thời bảo vệ cơ thể. Đối tượng ưu tiên tiêm vaccine gồm trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính như tim phổi, thận, tiểu đường…

Bên cạnh đó, rửa tay là cách đơn giản nhưng hiệu quả để loại bỏ virus gây bệnh. Nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi; trước/sau khi chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi chăm sóc người bệnh.

Người cao tuổi cần chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như vitamin C, kẽm giúp tăng sức đề kháng. Nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Chỉ nên vận động nhẹ nhàng, tránh hoạt động mạnh làm cơ thể mệt mỏi hơn. Đặc biệt, không nên tự ý mua thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế tin cậy.

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do các chủng virus cúm gây ra, xuất hiện quanh năm và nhiều hơn khi thời tiết chuyển sang giao mùa. Bệnh cúm mùa khó phòng ngừa, đặc biệt với người lớn tuổi. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó có khoảng 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 - 500 nghìn người tử vong.

Đức Trân