Níu chân du khách từ hành động nhỏ nhất
Việt Nam phấn đấu thu hút 18 triệu du khách quốc tế trong năm 2024. Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu này thì nên bắt đầu từ những vấn đề nhỏ như giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải...
Choáng vì rác trôi trên biển
Tháng 9/2023, khi công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới, Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề ô nhiễm tại khu di sản và kêu gọi Việt Nam tăng cường biện pháp giải quyết. Có thể thấy, vấn đề rác thải tại các điểm đến du lịch được coi như vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề trở nên nóng hơn khi thời gian vừa qua, một số khách quốc tế lại than phiền về tình trạng rác thải tại Hạ Long.
Theo chia sẻ của một chủ khách sạn tại Hạ Long, sau khi kết thúc chuyến nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại khách sạn của ông, một số vị khách đến từ Australia đã đánh giá 0 điểm khi chấm điểm về dịch vụ, môi trường. Vị này cho biết: Mặc dù dịch vụ của chúng tôi rất tốt, vệ sinh sạch sẽ, phòng ốc thơm tho, song các vị khách đến từ Australia vẫn kêu ca khi họ chứng kiến quá nhiều rác thải, thậm chí rác nổi trên mặt biển khiến họ không dám xuống tắm.
“Nhiều khách cho biết sẽ không quay trở lại Vịnh Hạ Long, Lan Hạ nếu vẫn còn tình trạng rác trôi lềnh bềnh, mất mỹ quan như vậy. Bản thân người làm du lịch như chúng tôi luôn thấy xấu hổ khi chứng kiến cảnh đó” – vị chủ khách sạn tâm tư.
Một số doanh nghiệp hoạt động tại đây cho biết, rác ở khu vực Vịnh Hạ Long - Lan Hạ thường xuất hiện trong khoảng từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau – đúng mùa cao điểm du lịch khách quốc tế.
Trước sự than phiền của khác quốc tế, TP Hạ Long đã tổ chức nhiều đợt cao điểm kiểm tra kết hợp ra quân thu gom rác thải, phấn đấu đến ngày 20/4 xử lý triệt để vấn đề rác thải trên Vịnh Hạ Long cũng như ven bờ.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì tuyến thu gom rác thải ven bờ từ Cầu K67 (phường Hà Khánh) đến bãi tắm Hòn Gai với diện tích thu gom khoảng 650ha, TP Hạ Long sẽ tập trung thực hiện thu gom rác thải từ khu vực bãi tắm Hòn Gai đến khu vực giáp ranh giữa phường Hà Phong với phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) và chân các núi đá với diện tích 1.750ha. Tổng diện tích cả 2 khu vực nói trên là 2.400ha.
Đồng thời, các phường ven biển của thành phố cũng huy động nhiều lực lượng (lực lượng công an, quân sự, dân quân, cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên, nhân dân, học sinh…) ra quân tổng vệ sinh môi trường biển, tập trung ở các khu vực bãi tắm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc dọn dẹp vệ sinh chỉ là phần ngọn của vấn đề. Quan trọng là Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phải tìm ra nguyên nhân và trị tận gốc như: Điều tra, kêu gọi, nhắc nhở, phạt nặng những người xả rác.
Thay đổi tích cực từ hành động nhỏ nhất
Tình trạng rác thải gây phản cảm, ám ảnh du khách quốc tế không phải là chuyện mới, và không chỉ diễn ra tại khu du lịch Hạ Long, mà còn ở nhiều điểm du lịch khác.
Chất thải, rác thải vô tư xả ra môi trường không chỉ đang làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống mà còn khiến cho hình ảnh Việt Nam trở nên kém đi trong mắt du khách quốc tế.
Theo TS Nguyễn Trung Thắng - Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng chất thải nhựa và túi nylon của cả nước chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt ở một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển. Trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi nylon/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày, chưa kể các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.
Còn theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, rác thải nhựa đã và đang tác động xấu đến các hoạt động du lịch. Sự tồn tại của rác thải nhựa làm mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho khách du lịch, đặc biệt với du lịch biển, đảo; giảm doanh thu và đóng góp của ngành du lịch: Làm suy giảm lượng khách, thiệt hại về kinh tế ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.
Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa như: Vịnh Hạ Long, trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Đà Nẵng: 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%; Tuy Hòa (Phú Yên): 524 tấn rác thải/ngày đêm, rác thải nhựa chiếm 18,31%; Rạch Giá (Kiên Giang): 250 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó 4,48 tấn rác thải rắn/ngày thải ra môi trường.
Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Việt Nam muốn phát triển bền vững cần bắt đầu thay đổi từ hành động nhỏ nhất, đó là vệ sinh sạch sẽ, không rác thải nhựa, rồi mới tới các chiến lược quốc gia lớn lao hơn như giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, hài hòa phát triển tầm nhìn dài hạn...