Phòng tránh sốc nhiệt, say nắng
Miền Bắc và miền Trung đang trong những ngày nắng nóng gay gắt. Nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt tăng cao, đặc biệt là người lớn tuổi, trẻ em, người lao động ngoài trời.
Những ngày qua, thời tiết khu vực Nam Bộ và TPHCM nắng nóng liên tục, nền nhiệt độ cao nên lượng người cao tuổi và trẻ nhỏ nhập viện tăng mạnh. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, lượng bệnh nhân nhập viện do mắc các bệnh về lây nhiễm qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, ngộ độc thức ăn); say nóng, say nắng (sốc nhiệt); các bệnh về da (rôm sảy, viêm da do nhiệt, viêm da dị ứng…). Trong các nhóm bệnh này, sốc nhiệt và các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa có nguy cơ diễn tiến nặng, gây nguy hiểm cho trẻ.
Theo BS Trương Thị Ngọc Phú - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM), phụ huynh cần lưu ý đến tình trạng sốc nhiệt khi trẻ đang hoạt động trong môi trường nắng nóng kéo dài, kèm theo các biểu hiện sốt cao, da khô nóng, mạch nhanh, thở nhanh. Bên cạnh đó là dấu hiệu nôn ói, lừ đừ, lơ mơ, đi đứng không vững, hôn mê hoặc co giật.
Những ngày chớm nắng nóng tại khu vực phía Bắc, lượng bệnh nhân khám bệnh cũng tăng lên. Trong đó, thời tiết giao mùa cộng với nắng nóng gay gắt gia tăng nguy cơ bệnh về đường hô hấp ở trẻ em và đột quỵ ở người già.
BS Nguyễn Thị Thùy Dương - Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trung bình, khoa khám hơn 100 lượt bệnh nhi/ngày, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp chiếm 60-70%. Các bệnh đường hô hấp hay gặp liên quan đến virus như viêm tiểu phế quản do virus RSV, cảm cúm, cúm A, cúm B, Adeno virus và một số bệnh nhiễm khuẩn khác... Khởi đầu của bệnh là triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, ho khò khè... Sau 2-3 ngày sẽ tiến triển nặng lên và chuyển sang viêm tiểu phế quản, viêm phổi và trẻ khó thở hơn, có những trẻ diễn biến nặng phải nhập viện. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng thành bội nhiễm gây viêm tai giữa, có trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi và suy hô hấp. Thậm chí có những trẻ suy hô hấp nặng phải can thiệp thở máy, thở ô xy để hỗ trợ.
PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận đến 50 bệnh nhân đột quỵ, trong đó chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến viện trong “giờ vàng”. Con số này đã tăng lên so với trước đó, nhưng so với nhiều trung tâm trên thế giới, tỷ lệ này còn thấp. Có nhiều trung tâm, bệnh nhân đến trong “thời gian vàng” đạt 50-75%. Đơn cử, chỉ trong 1 đêm trực cuối tháng 3/2024, các bác sĩ của Trung tâm đã tiếp nhận đến 6 ca đột quỵ, tuy nhiên 2/4 ca trong số này đến viện muộn.
Theo BS Trần Quốc Quý - Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, thời tiết nắng nóng có thể gây gánh nặng đặc biệt cho sức khỏe tim mạch. Nhiệt độ tăng cao sẽ tạo áp lực lên hệ tim mạch bởi tình trạng mất nước qua mồ hôi cũng như nhiệt độ cao khiến cho nhịp tim tăng đáng kể, tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gây nên các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều) và thậm chí là suy tim.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. Với mức độ nhẹ cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió. Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng. Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.