Mặt trận

UBTƯ MTTQ Việt Nam phản biện dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Vũ Mạnh - Tiến Đạt - Quang Vinh 04/04/2024 10:23

Sáng 4/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Chủ trì Hội nghị có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật.

a5d6597fa8af07f15ebe.jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật chủ trì Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Tham dự Hội nghị có các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các Hội đồng Tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn hiện nay được quy định chủ yếu tại 2 luật (Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014); đồng thời trong hệ thống pháp luật có những luật liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng như Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Đất đai năm 2024, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các luật chuyên ngành liên quan đến quy hoạch.

Các quy định liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn hiện được quy định nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật và tản mạn gây khó khăn trong quá trình thực hiện hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn. Trên cơ sở hợp nhất các quy định hiện hành tại các văn bản pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sự hợp hiến, sự thống nhất đồng bộ của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan là yêu cầu cấp bách và đảm bảo thực tiễn phát triển của đất nước.

Đây cũng là yêu cầu đặt ra để kịp thời thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch đô thị và nông thôn, phát huy được tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh từng vùng đảm bảo gắn kết đô thị và nông thôn phát triển đảm bảo đúng định hướng, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác quản lý và góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

20a9a5bd526dfd33a47c.jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, nhằm góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn, MTTQ Việt Nam đã đưa nội dung này vào kế hoạch phản biện xã hội năm 2024. Trước khi tổ chức phản biện xã hội này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị để xác định những nội dung cần phản biện xã hội; đồng thời mời các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai … chuẩn bị các nội dung nghiên cứu để tham gia đề xuất các nội dung phản biện.

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn nghiên cứu tập trung phản biện vào cấu trúc, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và kỹ thuật xây dựng Dự án Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; Về bảo đảm phù hợp với văn bản của Đảng, bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về xây dựng và quy hoạch của dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được quy định trong dự án Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; Về nguồn lực trong xây dựng, quản lý và triển khai quy hoạch được quy định trong dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; Về quản lý Nhà nước về Quy hoạch trong dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung phản biện về vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong Dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; Về tính khả thi của dự án Luật quy hoạch đô thị và nông thôn trong thực tiễn hiện nay ở nước ta hiện nay.

Ngoài các nội dung đề xuất nêu trên các ý kiến phản biện có thể tham gia các nội dung khác trong dự thảo luật. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong rằng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn căn cứ vào các đề xuất có những ý kiến phản biện để góp phần cùng cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự án Luật.

5d1ecfb53e65913bc874.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương, 61 điều; dự kiến tập trung giải quyết một số vấn đề chính như thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 06; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật; cụ thể hóa các chính sách thành yêu cầu, quy phạm pháp luật trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự thảo Luật đề cập một số điểm mới như: Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính nội bộ trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Bổ sung quy định về quy hoạch, tổ chức không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước; Quy định rõ yêu cầu về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương.

Luật đồng thời bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch; Bổ sung quy định rõ về nguồn lực đảm bảo thực hiện quy hoạch; Bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn lập quy hoạch, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc; Bổ sung quy định cụ thể hơn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn…

Vũ Mạnh - Tiến Đạt - Quang Vinh