Mặt trận

Đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người dân trong hoạt động quy hoạch

Vũ Mạnh - Tiến Đạt 04/04/2024 10:39

Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn diễn ra vào sáng 4/4, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tham gia góp ý chuyên sâu vào các vấn đề trọng tâm của công tác quy hoạch.

e34fa0585788f8d6a199.jpg
PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, tên của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn khác với tên cũ đang dùng là Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Quy hoạch năm 2017, nhằm xây dựng một đạo luật có tính tổng hợp về quy hoạch cho các vùng đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch rất đa dạng, phức tạp và khác nhau giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, giữa quy hoạch toàn quốc, quy hoạch ngành và quy hoạch lãnh thổ nên rất khó để xây dựng một văn bản tổng hợp như vậy.

Cũng theo PGS.TS Bùi Xuân Đức vấn đề quy hoạch lãnh thổ về bản chất chỉ đặt ra đối với các lãnh thổ quần cư, tức là với các cấp chính quyền mà trọng tâm là các đô thị nguyên bản. Các đơn vị có tính quản lý hành chính như tỉnh, huyện, quận, phường không cần thiết và cũng không có nhu cầu quy hoạch riêng, bởi đã nằm trong quy hoạch tổng thể của quốc gia hoặc của bản thân đô thị gốc.

"Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật này nên giữ theo luật cũ là Luật Quy hoạch hay Luật Quy hoạch đô thị, trong đó trọng tâm là điều chỉnh những nguyên tắc lập, quản lý quy hoạch phát triển tổng thể một lãnh thổ - không gian sống quần cư và chủ yếu về lãnh thổ đô thị", ông Đức kiến nghị.

0e543143c69369cd3082.jpg
TS Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Ở góc độ khác, TS Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Luật Xây Dựng, Luật Đất đai , Luật Quy hoạch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó cần lưu ý lồng ghép các quy định của Luật Đất đai năm 2024 về nội dung "Căn cứ lập quy hoạch hoạch đô thị và nông thôn" quy định tại Điều 16. Khoản 1 của Điều này cần chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn là "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt".

Để đảm bảo phù hợp với Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, TS Nguyễn Đình Bồng đề xuất, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần bổ sung một Điều có tính nguyên tắc về quyền, trách nhiệm kiểm tra giám sát của Quốc Hội, MTTQ, HĐND các cấp, các tổ chức và công dân trong Chương I Quy định chung. Đồng thời sửa Điều 58 quy định về "quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tham gia ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn" theo hướng tập trung vào quyền kiểm tra, giám sát của Quốc Hội, MTTQ Việt Nam, các tổ chức, công dân liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

c242e2c9171ab844e10b.jpg
TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Đình Bồng, TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng cần có định nghĩa về cộng đồng dân cư tại thôn, tổ dân phố tham gia ý kiến về quy hoạch, quy định cụ thể đối tượng, thành phần (số lượng) đại diện cho cộng đồng dân cư tham gia ý kiến theo từng cấp quy hoạch, loại đô thị, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong hoạt động quy hoạch.

Vũ Mạnh - Tiến Đạt