“Xanh hóa” vật liệu xây dựng
Sản xuất vật liệu xây dựng là ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Do đó, thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.
Xu hướng tất yếu
Theo thống kê của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), các công trình xây dựng sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng. Lượng chất thải kể trên đã tác động không nhỏ đối với môi trường, đòi hỏi cần phải có sự chuyển đổi. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt, cùng với gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển các loại vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường đang dần trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), cũng như nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Minh chứng từ thực tế cho thấy, xanh hóa ngành VLXD là con đường tất yếu mà các doanh nghiệp (DN) phải lựa chọn nhằm hạn chế phụ thuộc vào tài nguyên khan hiếm, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững trên thị trường. Việc thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) hay những cam kết về phát triển bền vững không còn là lựa chọn của DN mà đã trở thành bắt buộc khi EU đã áp dụng thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng cho các ngành phát thải cao nhất có nguy cơ rò rỉ cao nhất, như sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, hydro, điện và sẽ được mở rộng sang các ngành khác theo lộ trình. Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón.
“Thực hiện cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc phát triển sản xuất luôn phải thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, từng bước thay thế nguyên vật liệu gây phát thải khí nhà kính; giảm, thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sớm nhất có thể” - PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh.
Không ít thách thức
Trước thực trạng nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn dần, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, các DN sản xuất VLXD trên cả nước đã và đang có những bước chuyển chủ động sang sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Đây là hướng đi hứa hẹn mang lại nhiều hơn nữa lợi ích về kinh tế cho các DN sản xuất VLXD. Một trong những xu hướng quan trọng nhất mà các DN sản xuất VLXD hướng đến là sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế trong quá trình xây dựng, đồng thời thiết kế các công trình để giảm lượng rác thải và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng. Mặc dù vậy, quá trình “xanh hóa” ngành VLXD gặp không ít những khó khăn.
Đề cập những khó khăn trong quá trình xanh hóa ngành này, TS Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) cho rằng, hiện nay chi phí đầu tư, cải tạo dây chuyền, thiết bị hiện có cho phù hợp với việc sản xuất các loại VLXD xanh là khá lớn, khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc cân đối chi phí tài chính để đầu tư. Trong khi đó, khuôn khổ pháp luật hiện hành chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN, nên chưa khuyến khích nhiều DN đẩy mạnh phát triển VLXD xanh.
Bên cạnh đó, năng lực và trình độ công nghệ sản xuất VLXD xanh tại Việt Nam cũng còn hạn chế, trong khi giá thành sản phẩm còn cao, nên chưa thể cạnh tranh mạnh mẽ với các loại vật liệu khác. Ngoài ra, nhận thức của các đơn vị xây dựng, người tiêu dùng về sản phẩm VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường còn có những hạn chế nhất định. Điều này ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh sản xuất các VLXD xanh, cũng như đưa vào sử dụng rộng rãi trong các công trình…
Để có thể hiện thực hóa “xanh hóa” trong lĩnh vực VLXD, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường, làm cơ sở cho các DN có căn cứ áp dụng trong quá trình sản xuất. Song song với đó, Nhà nước cũng cần có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng những VLXD thân thiện với môi trường.
Cùng với cơ chế hỗ trợ chính sách từ Nhà nước thì cũng cần sự thay đổi của DN. Theo đó, các DN cũng cần chú trọng đến việc lựa chọn những công nghệ sản xuất VLXD theo hướng sử dụng được nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác. Đồng thời, các DN cần tìm ra các giải pháp để giảm giá thành hơn nữa đối với VLXD xanh, để cạnh tranh tốt với các loại vật liệu truyền thống có tính năng tương tự.
Theo Bộ Xây dựng, để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp sản xuất VLXD nói riêng, ngành công nghiệp nói chung, cần có các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa ngành công nghiệp sản xuất VLXD, xanh hóa ngành công nghiệp xây dựng, góp phần xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam. Chính vì vậy, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030 của Bộ Xây dựng đã được ban hành, trong đó có nhiệm vụ ưu tiên về kiểm kê khí nhà kính, thực hiện đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…