Kinh tế

Có nên để doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu?

H.Hương 05/04/2024 08:26

Đề xuất để doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được tự quyết định giá bán tối đa được Bộ Công thương lý giải nhằm đưa ngành này dần tiếp cập cơ chế thị trường. Tuy nhiên khi thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh đúng nghĩa thì liệu việc giao quyết định giá bán cho doanh nghiệp đã hợp lý?

anhbaitren(1).jpg
Thị trường xăng dầu cần có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Tại Tờ trình và Nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương cho biết, hiện nay, giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở.

Cụ thể, Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán giá. Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu căn cứ giá cơ sở do Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính công bố định kỳ để tổ chức giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân.

Bộ Công thương cho rằng, với cơ chế điều hành giá xăng dầu này, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp (DN) phải thực hiện qua nhiều bước, thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân mà mong chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện theo.

Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu căn cứ vào các yếu tố hình thành trong quá khứ với thời gian tương đối dài (chi phí kinh doanh, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được tính toán dựa vào số liệu của Quý trước để áp dụng trong tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu ở Quý sau) dẫn tới chưa sát với thực tế...

Nhằm giảm sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán của DN, tạo môi trường cạnh tranh về giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (thay thế các Nghị định 83,95 và 80 hiện có), tiếp cận theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới và một số chi phí cố định.

Thương nhân tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do Nhà nước quy định. Giá bán xăng dầu trên thị trường của DN không được cao hơn giá bán tối đa theo công thức đã quy định. Sau khi công bố, thương nhân thông báo giá bán cho cơ quan nhà nước để giám sát.

Dự thảo Nghị định quy định nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng công bố các yếu tố hình thành giá và để DN tự quyết định giá.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh nhận định, mục tiêu hướng tới là để thị trường quyết định. Không chỉ xăng dầu mà các mặt hàng khác do nhà nước quản lý đều phải hướng tới thị trường. Tuy nhiên, trước khi để thị trường quyết định, kinh doanh xăng dầu cần hội đủ yếu tố thị trường, tạo cơ chế cạnh tranh thì thị trường mới vận hành tốt.

Ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, theo dự thảo thì giá bán xăng dầu trên thị trường của DN không được cao hơn giá bán tối đa theo công thức đã quy định, thương nhân thông báo giá bán cho cơ quan nhà nước để giám sát, việc này sẽ tránh tình trạng giá trong nước không cập nhật theo giá thế giới, không "tính đúng, đủ" khiến DN kinh doanh thua lỗ hoặc chiết khấu thấp... Theo ông Bảo, điểm khác cơ bản nhất ở dự thảo là trong công thức tính, giá xăng dầu nhập khẩu, chi phí vận chuyển là giá thế giới, được cập nhật mới nhất, thay vì cách tính từ các chi phí thực tế do Nhà nước tính toán trên cơ sở báo cáo của DN như trước.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định hầu như chưa đề cập đến DN bán lẻ. Năm 2022, thị trường xăng dầu khan hiếm, người dân phải xếp hàng mua xăng một phần do các cửa hàng bán lẻ không nhận được mức chiết khấu hợp lý từ DN đầu mối, thậm chí là chiết khấu âm. Do đó, vấn đề DN bán lẻ quan tâm nhất là chiết khấu. Nếu Nhà nước không quy định mức chiết khấu tối thiểu dành cho các khâu (DN đầu mối, thương nhân phân phối, DN bán lẻ) thì nên để cho DN đầu mối tự điều hành giá nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh, song cần qui định rõ về các cơ chế cấu thành giá, đảm bảo các khâu phải được tính đúng và đủ; không bán vượt mức giá trần, và không bán thấp hơn giá sàn.

Nếu Bộ Công thương không quy định rõ cơ chế tính giá, phân đủ chi phí về các khâu thì DN đầu mối lớn sẽ tạo “luật chơi” riêng, dễ dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung khi thị trường có biến động lớn.

H.Hương