Xã hội

Lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

ĐOÀN XÁ 05/04/2024 08:27

Hàng chục nghìn hộ dân vùng hạ lưu ven biển ở miền Tây Nam bộ như Long An, Tiền Giang, Bến Tre… đang lao đao vì tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài. Một số nơi người dân phải đi mua nước do việc cung cấp nước ngọt khó khăn bởi hạn mặn bủa vây.

anhbaitren.jpg
Người dân ở xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) lấy từng bình nước đem về sử dụng. Ảnh: Đoàn Xá.

Dân chật vật chở từng thùng nước

Gần một tháng qua, bà Nguyễn Thu Hằng (xã Gia Thuận, Gò Công Đông, Tiền Giang) hàng ngày phải mất từ một tới hai giờ đồng hồ để đi lấy nước ngọt về sử dụng. Dù gia đình ở gần tuyến đường tỉnh lộ 871B có vòi nước công cộng nhưng do nhiều người tới lấy, nước chảy chậm nên việc có đủ nước luôn rất khó khăn. Bà Thu Hằng bảo gia đình đã mua thêm 5 chiếc bình nhựa loại 30 lít để đi lấy nước rồi đổ vào bồn chứa để xài. Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn, một người dân khác cũng ở xã Gia Thuận cho biết ông phải đi xe gắn máy gần 3km (cả đi lẫn về) để lấy nước ngọt. “Xe máy của tôi chở được 4 bình. Hai bình buộc 2 bên, một bình để trước, một bình để phía sau. Tôi chạy từ nhà ra đây lúc hơn 12 giờ nhưng tới nay đã gần 2 giờ rồi mới lấy được nước vì có nhiều người tới trước. Mà tôi còn khoẻ để đi chở nước chứ nhiều người già yếu không chở được phải mua. Nước ở đây họ bán 100.000 đồng một mét khối. Nhà nào ở xa trong đồng phải mua với giá cao hơn nữa”, ông Sơn kể.

Cách đó chừng hơn 10 cây số, cũng nằm ở ven sông Vàm Cỏ, tình cảnh thiếu nước ngọt cũng làm đảo lộn cuộc sống nhiều người dân ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước (tỉnh Long An). Bà Đặng Thị Phương (trú xã Tân Lập, huyện Cần Giuộc) cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây nước máy chảy rất yếu (do khu vực này là cuối đường ống nước) nên người dân không có đủ để sử dụng. Con trai bà thường phải sử dụng xe gắn máy tới nhà người thân hoặc chạy ra các điểm lấy nước công cộng ở tỉnh lộ 830 để lấy từng bình nước mang về nhà sử dụng. Tuy nhiên, các điểm lấy nước này cũng thường xuyên rất đông người, phải chờ đợi, xếp hàng rất lâu, có khi xếp hàng từ trưa đến tối, rồi từ tối đến đêm mới tới lượt vì nhiều người quanh vùng đều trong tình cảnh tương tự.

Tới nay, dọc khu vực hạ lưu ven biển đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… đều bị xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt trầm trọng khi đang vào cao điểm mùa khô. Năm 2024, tình hình thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều, đã khiến hàng chục nghìn hộ dân bị bất ngờ và rơi vào tình cảnh thiếu nước. Đáng chú ý, ở các địa phương này đều có các nhà máy cung cấp nước ngọt nhưng thường đặt ở khu vực thượng nguồn, nhằm sử dụng nguồn nước sông tự nhiên có sẵn. Vì thế, các cư dân vùng hạ lưu thường xa nhà máy, nên việc tiếp cận nguồn nước càng thêm khó khăn.

Nhiều nhà hảo tâmchia sẻ nước ngọt miễn phí

Tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt ở dải đất ven biển miền Tây Nam bộ hiện đang ở đỉnh điểm do đã cuối mùa khô. Vì vậy, nhiều nhà hảo tâm, từ thiện… đã sử dụng các xe tải, xe bồn hay thậm chí cả sà lan cỡ lớn để chở nước ngọt từ các địa phương như Hậu Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai… về vùng hạ lưu “tiếp nước” cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Công, chủ một xe bồn loại 40 m3 cho biết anh cùng nhóm bạn vừa chở 3 xe nước ngọt (tổng cộng 120m3) từ TP Cần Thơ về xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) phục vụ bà con nông dân. Các xe nước này do các đơn vị tài trợ miễn phí để chia sẻ với người dân trong mùa khô và hạn mặn xâm nhập. Thậm chí, có đơn vị còn sử dụng hẳn một chiếc sà lan loại 1.200m3 để chở nước ngọt từ sông Đồng Nai về Gò Công (quãng đường chừng 200km) để chia sẻ với người dân, tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Một nhân viên Công ty Cấp nước Tiền Giang cho biết, thời gian qua, công ty liên tục tăng số vòi nước công cộng ở khu vực huyện Gò Công Đông. Ban đầu là 25 vòi, sau đó lên 40 vòi và đầu tháng 4 là 60 vòi nhằm phục vụ đủ nhu cầu của người dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà máy nước nằm ở địa bàn TP Mỹ Tho (cách khu vực này khoảng 60km) thường lấy nước từ sông Tiền để xử lý rồi cung cấp. Do nơi này nằm cuối đường nước nên phải thêm vòi cung cấp miễn phí. Ngoài ra, công ty cũng mua thêm nhiều bồn chứa loại lớn đặt ở các khu vực đường lộ lớn rồi bơm nước vào, phục vụ thêm cho người dân.

Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chỉ thị yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành, nhất là các địa phương khu vực Trung Bộ và ĐBSCL, kiểm kê nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước. Trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác. Đối với các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt, các địa phương phải chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho bà con. Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân...

ĐOÀN XÁ