Hà Nội: Tăng cường giám sát bệnh sởi
Ngày 5/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở vừa có văn bản về việc tăng cường công tác giám sát bệnh sởi trên địa bàn thành phố.
Theo đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch các trường hợp nghi sởi/rubella trên địa bàn thành phố kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định trường hợp mắc bệnh.
Hướng dẫn chuyên môn cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã về giám sát và triển khai xử lý ổ dịch triệt để không để dịch lan rộng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát đối tượng tiêm vắc xin sởi để không bỏ sót đối tượng; có kế hoạch bố trí đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, việc tiêm vắc xin là để phòng chống dịch cho trẻ từ đủ 9- 12 tháng tuổi và vắc xin sởi cho trẻ 18-24 tháng tuổi. Thường xuyên kiểm tra công tác tiêm chủng cũng như phòng chống dịch của các quận, huyện, thị xã.
Đối với các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, Sở Y tế yêu cầu tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân công giám sát; lấy mẫu trường hợp nghi ngờ sởi/rubella gửi CDC Hà Nội để xét nghiệm, tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan. Tổ chức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh sởi.
Phối hợp phòng Y tế rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Các Trung tâm Y tế hướng dẫn và yêu cầu tất cả các phòng tiêm chủng trên địa bàn phải nhập phiếu điều tra vào phần mềm giám sát sởi/rubella, việc tiêm vắc xin là để phòng chống dịch cho trẻ từ đủ 9-12 tháng tuổi và vắc xin sởi cho trẻ 18-24 tháng tuổi.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập tổ chức phân luồng bệnh nhân nghi mắc bệnh sởi ngay từ khu vực phòng khám; bố trí khu vực khám riêng, buồng bệnh cách ly để cấp cứu, điều trị bệnh sởi nhằm tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân về các biện pháp chăm sóc điều trị người bệnh, hạn chế tối đa tiếp xúc, khi chăm sóc tiếp xúc với người bệnh cần phải có khẩu trang y tế để tránh phát tán mầm bệnh. Đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu và điều trị bệnh sởi.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với CDC Hà Nội và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh dịch để chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng...