Tri ân những người đã làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024), ngày 06/4, tại tỉnh Thanh Hóa, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Tỉnh ủy Thanh Hóa sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ). Trao đổi với báo chí trước thềm sự kiện này, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu khẳng định đây là dịp để mỗi thế hệ cùng ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, từ những bài học lịch sử này sẽ giúp thế hệ trẻ hôm nay phát huy truyền thống cha anh, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
PV: Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biện Phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tỉnh ủy Điện Biện sẽ tổ chức gặp mặt các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ). Phó Chủ tịch có thể chia sẻ về ý nghĩa của hai cuộc gặp mặt này?
Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu: Căn cứ chỉ đạo của Ban Bí thư về chủ trương thực hiện Đề án kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam ban hành Kế hoạch tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) còn sống tại hai tỉnh Thanh Hóa và Điện Biên trong hai ngày 06/4 và 17/4.
Cuộc gặp mặt nhằm tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; từ đó khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Thông qua các hoạt động ý nghĩa này nhằm tuyên truyền, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tôn vinh những đóng góp của các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vậy, tại sao UBTƯ MTTQ Việt Nam lại chọn Thanh Hóa và Điện Biên làm nơi tổ chức gặp mặt?
- Lý do UBTƯ MTTQ Việt Nam chọn Thanh Hóa là một trong hai địa phương tổ chức gặp mặt là trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã đóng góp 30% số người dân trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến với tổng số dân công lên đến 178.900 người và 27 triệu ngày công, hơn 3.500 xe thồ được huy động lên đến gần 16.000 lượt vận chuyển… Thanh Hóa đã chuyển ra chiến trường Điện Biên Phủ hơn 9.000 tấn gạo (chiếm 56%) và hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm khác, chiếm 40% số thực phẩm tính sử dụng trong chiến dịch. Trong vai trò “hậu phương lớn của tiền tuyến lớn” với hàng chục nghìn con em Thanh Hóa và các địa phương ở liên khu 3, liên khu 4 đã lên đường chiến đấu anh dũng, có mặt tại những nơi cam go, nguy hiểm nhất và nhiều người trong số đó đã hy sinh.
Không chỉ ở Thanh Hóa, các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Bình… cũng đóng góp vào thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Nếu không có Thanh - Nghệ - Tĩnh thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ, không có thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp”. Từ đó, có thể thấy rằng việc tổ chức gặp mặt tại Thanh Hóa là việc làm tri ân hết sức ý nghĩa, đồng thời tuyên truyền để Nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và các thế hệ con cháu hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về ý nghĩa đặc biệt của một sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đối với tỉnh Điện Biên, như các bạn đã biết, nhắc tới mảnh đất Điện Biên là nhắc tới trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã diễn ra cách đây tròn 70 năm. Bởi vậy, căn cứ chủ trương thực hiện Đề án kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của Ban Bí thư, chúng tôi tổ chức gặp mặt các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) tại chính mảnh đất này là một sự tri ân, một lòng biết ơn đối với những người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.
Đây là một trong những chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Cuộc gặp mặt này sẽ bao gồm các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc gặp mặt tại tỉnh Thanh Hóa và Điện Biên, sẽ tri ân gần 500 đại biểu đại diện cho các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Các vị tham gia trong buổi gặp gỡ còn có các Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sỹ, đại diện cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Điện Biên.
Mặc dù chúng ta không tổ chức gặp mặt được hết, tuy nhiên ở mỗi địa bàn các tỉnh cũng tổ chức những đoàn để trực tiếp đến nơi thăm các cô, các chú không có điều kiện hoặc sức khỏe yếu, không đến tận nơi để tham dự hai sự kiện ý nghĩa này.
Để tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thời gian tới UBTƯ MTTQ Việt Nam tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào để tiếp tục chăm lo cho những gia đình chính sách, thương bệnh binh, người có công với cách mạng?
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm nhất quán về thực hiện tốt chính sách với người có công, đó là “hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, đảm bảo người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú”.
Chúng ta nhớ lời dạy của Bác Hồ là việc chăm lo thực hiện chính sách với người có công, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như thực hiện công cuộc đổi mới luôn dành những điều kiện tốt nhất nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng.
Để hoàn thành sứ mệnh của mình trong dịp này, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác của mình để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước; đồng thời phải thấy được lòng tự hào, tự tôn dân tộc và nhận thức, trách nhiệm của chúng ta để chăm lo cho người có công với cách mạng.
Thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn xã hội về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng; đặc biệt vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, để cùng với xã hội, cùng với nguồn lực của Nhà nước chăm lo cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách trên địa bàn cả nước.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!