Tăng tốc cuộc đua ngân hàng bán lẻ
Tín dụng bán lẻ hay nhóm khách hàng cá nhân trong nhiều năm gần đây trở thành trọng tâm kinh doanh của các ngân hàng. Các ngân hàng top đầu đang đẩy mạnh thu hút khách hàng, mở rộng quy mô cho vay bán lẻ, đồng thời thúc đẩy thu nhập dịch vụ, thu nhập ngoài lãi.
Ngân hàng bán lẻ trở thành xu thế
Kết thúc năm 2023, Việt Nam được nhận định là thị trường tiềm năng cho ngân hàng bán lẻ với dân số 100 triệu người, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 102 triệu đồng/người, tương đương 4,280 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Việt Nam cũng là quốc gia có dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 33; tỷ lệ người dân sử dụng smartphone, Internet cao và số lượng người giàu tăng nhanh hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Nhận thấy tiềm năng cho sự phát triển của bán lẻ, từ lâu các ngân hàng đã thúc đẩy các sản phẩm dịch vụ bán lẻ với những chiến lược riêng. Trong nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước, Agribank hướng đến mở rộng đối tượng khách hàng nông thôn, Vietcombank phát triển ngân hàng bán lẻ toàn diện...Trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, Techcombank tập trung đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ cho phân khúc trung lưu, phục vụ tệp khách hàng trẻ; VIB tập trung vào các lĩnh vực chuyên biệt; VPBank phủ rộng mọi phân khúc…
Riêng với SHB, nhiều năm qua với chiến lược chuyển đổi toàn diện, Ngân hàng đang từng bước tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong cơ cấu. Đến năm 2023, nhà băng thuộc top 5 ngân hàng tư nhân quy mô lớn nhất hệ thống này trở thành “ngôi sao mới” với loạt sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ hướng đến cá nhân.
Đơn cử, SHB đã tung gói tín dụng 23.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, mua nhà, xây dựng, kinh doanh… đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay mới dành cho khách hàng cá nhân chỉ từ 6,39%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 5,79%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.
Khách hàng cũng sẽ được hưởng ưu đãi giải ngân tới 80% giá trị bất động sản mua, thời gian vay lên tới 25 năm, thời gian ưu đãi lãi suất và ân hạn gốc kéo dài tới 24 tháng. Kết hợp với nền tảng số hóa được đầu tư mạnh mẽ, thao tác và thủ tục pháp lý cho vay được rút gọn nhanh chóng và thuận lợi cho khách hàng.
Với định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, SHB ứng dụng các công nghệ hiẹn đại gồm AI, Big data, Machine Learning, Cloud Computing… nhằm tìm hiểu và đưa ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu người dùng, đồng thời phân nhóm khách hàng để mang tới các phương án tài chính tối ưu.
Đa dạng kênh tiếp cận khách hàng, thúc đẩy cho vay bán lẻ
Hậu dịch Covid-19 trở thành giai đoạn bùng nổ số lượng khách hàng với các nhà băng. Bên cạnh đầu tư công nghệ bài bản và ứng dụng công nghệ vào các dịch vụ tài chính và giao tiếp với khách hàng, mở rộng kênh tiếp cận, kết nối các dịch vụ công và kết nối đa dạng hệ sinh thái là một trong những cách thúc đẩy khách hàng cá nhân và tỷ trọng bán lẻ.
Từ năm 2023, SHB đã gia tăng mở rộng hệ sinh thái số với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp SME, đơn vị hành chính sự nghiệp…, nhằm thúc đẩy bán lẻ, nhờ đó đã thu hút được số lượng khách hàng mới tăng 42% so với năm 2022. Trong các sản phẩm dịch vụ có số lượng khách hàng là cán bộ nhân viên tại doanh nghiệp/đối tác chiến lược sử dụng nhiều nhất là tài khoản thanh toán, thẻ tín dụng và thấu chi online.
Đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ trong định hướng kinh doanh nhằm hướng đến khai thác dịch vụ các nhà băng cung cấp, đồng thời tận dụng lượng lớn CASA được sử dụng trong giao dịch của khách hàng, giảm chi phí vốn. Mặt khác, việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ cũng giúp SHB phân tán rủi ro hệ thống.
Bước sang năm 2024, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động bán lẻ và ứng dụng số hóa như là kênh giao tiếp then chốt và tiếp cận khách hàng. Trong nhóm các ngân hàng tư nhân, MB, SHB, Techcombank… là những ngân hàng đầu tư chọn lọc công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và phát triển các sản phẩm dịch vụ số.
Năm qua, số lượng khách hàng SHB vượt 5 triệu tài khoản, số lượng giao dịch trên các kênh số hóa cũng tăng mạnh mẽ. Tính đến nay, 90% các nghiệp vụ ngân hàng trọng yếu tại tại SHB đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số. Đồng thời, 92% số lượng giao dịch của các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đều được thực hiện hoàn toàn thông qua kênh số.
Chia sẻ về kết quả trong năm 2023 và định hướng 2024, ông Đặng Công Hoàn – Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ SHB cho biết từ năm 2023, SHB đã dịch chuyển và mở rộng hoạt động dịch vụ bán lẻ. Ngân hàng đang đầu tư mạnh mẽ vào các cải tiến nâng cấp công nghệ, chuyển đổi số, tiếp tục tăng tỷ trọng doanh số giao dịch trên kênh online.
Trong năm 2024, bên cạnh việc đẩy mạnh các sản phẩm ưu tiên như thẻ tín dụng, thấu chi online, tiết kiệm online, vay cầm cố sổ tiết kiệm…, với nguồn vốn huy động quy mô lớn và lãi suất phù hợp, SHB sẽ thúc đẩy hoạt động mở rộng cho vay bán lẻ. Thông qua tín dụng tiêu dùng như cho vay mua nhà; vay mua ô tô; vay mua bất động sản; vay sản xuất kinh doanh…, SHB hứa hẹn bảo đảm giúp cho người dân cải thiện cuộc sống. Ngân hàng cũng quản trị hiệu quả danh mục khách hàng nhờ phân tán rủi ro.
Ông Đặng Công Hoàn cho biết thêm, SHB sẽ tiếp tục kiên định với chiến lược mở rộng phát hành thẻ tín dụng được định vị và thiết kế chuyên biệt cho từng phân khúc khách hàng kết hợp với việc đẩy mạnh số hóa giao dịch thẻ. Cuối tháng 3, SHB đã ra mắt thẻ tín dụng quốc tế SHB Mastercard World dành riêng cho phân khúc khách hàng cao cấp nhằm mang đến những trải nghiệm vượt trội, tinh hoa nhất không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.
Trong năm 2023, ngân hàng đã thu được “trái ngọt” từ hoạt động kinh doanh thẻ. Hệ sinh thái “Gia đình thẻ” kết nối qua ứng dụng ngân hàng số là một vài ví dụ thành công trong việc thu hút khách hàng và nỗ lực của ngân hàng trong hoạt động bán lẻ. Số lượng thẻ tín dụng quốc tế mới phát hành trong năm 2023 đã tăng 134%, doanh số chi tiêu tăng 200%, đặc biệt riêng số lượng thẻ SHB Visa Platinum phát hành gấp 3,7 lần; doanh số giao dịch tăng gấp 2,5 lần so với 2022.