Khúc hát giữa núi rừng
Những người còn rất trẻ ở cùng một cơ quan rủ nhau làm một chuyến đi rừng. Không mất quá nhiều thời gian để thuyết minh, thuyết trình. Chỉ cần đi, đi vào hai ngày nghỉ là vui, bất cứ đi đâu - xa hay gần.
Hai chữ “đi rừng” vẻ như có một điều gì đó quyến rũ mãnh liệt lắm. Thế là sáng thứ bảy, khi Hà Nội vẫn vùi trong giấc ngủ, những người Việt trẻ chạy thẳng hướng Ninh Bình. Phố xá dần lùi lại sau lưng. Bận rộn cũng xếp lại.
Toan lo cũng để đấy. Một ngày không ngồi cà phê, không cúi gằm với smartphone lướt mạng xã hội cũng chẳng sao. Điện thoại vào tới cửa rừng bỗng chẳng khác nào cục gạch vô duyên im lìm trong túi. Rừng quốc gia Cúc Phương đón khách bằng vẻ quyến rũ riêng, độc quyền của núi rừng.
Rừng se sẽ lạnh, và rừng đã tối. Rừng tối rất nhanh. Mới 6 giờ chiều cả một khoảng mênh mông đã âm u huyền hoặc với tiếng động của muôn loài chim thú gọi đàn.
Trên một bãi đất rộng ở khu B, những người trẻ ngồi tụm lại và những khúc hát nhiều xưa cũ cứ nối nhau, không theo một trật tự xếp đặt nào.
Có “Nối vòng tay lớn”, có “Lên đàng”, có “Thanh niên làm theo lời Bác”, “Tiểu đoàn 307”...
Rồi những “Cô gái mở đường”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Bài ca Trường Sơn”... cũng bật ra vọng cả bãi rừng, đã kéo những người già trốn con trốn cháu tụ họp nhau để về rừng ôn những kỷ niệm xa xưa lại cùng hòa theo khúc hát, tiếng ca nhiều nhiệt tình mà thiếu kỹ thuật.
Hết liên khúc dài tới mười mấy bài, một người trẻ bảo: “Cuộc sống ngày nào cũng thế này thì vui biết mấy”. Một bà nói như hỏi: “Mấy đứa như cán bộ Đoàn cả?”
Một bà khác bảo: “Chúng mày hay thật đấy, hát toàn bài cách mạng, chả giống với thanh niên phố tí nào”. Một ông đeo kính lý giải: “Những bài hát cũ giai điệu thường hào sảng, dễ hát tập thể hơn những bài hát mới: ỉ eo, sướt mướt. Nghe mà... hết muốn sống”.
Bên đống lửa mỗi lúc một rực hồng, tôi bỗng nhớ đến chiều qua vừa nhận tin nhắn của Nguyên. Cùng học đại học với nhau nhưng khi ra trường, Nguyên không xin đi làm mà tình nguyện góp sức trẻ vào khai mở những con đường hiện đại.
Những dòng tin rời rạc. Nhưng chuyện nào cũng hồn nhiên, cũng vui. Nguyên kể, vui nhất là những đêm hát vang các bài hát mà những người lính Trường Sơn năm xưa đã ca vang suốt đường ra trận. Thế là nỗi nhớ nhà nguôi quên và sáng ra lại bận rộn lên những cung đường.
Chả biết có phải là lạ hay không nhỉ, khi mà cuộc sống phố thị ồn ã này, những bài hát đã vượt qua thế kỷ ấy cứ khó khó có chỗ để hát. Phải ở giữa thiên nhiên rộng lớn, trước rừng núi mênh mông những khúc ca cách mạng chẳng cần nhiều đến nhạc cụ phụ trợ bỗng trở thành... dễ hát với cả những người... không mấy khi hát.
Người ta sẽ dần trở nên sống nhạt, nếu cuộc đời thiếu đi những chuyến đi như thế này.