Xã hội

Người cao tuổi và nỗi lo ‘công nghệ số’

ANH MINH 07/04/2024 09:33

Bà Hoa rất bất ngờ khi một số điện thoại lạ gọi đến thông báo “chuyển nhầm” 100 triệu đồng vào tài khoản của bà, yêu cầu bà chuyển lại, nếu không sẽ “không được yên”.

nguoi-cao-tuoi-1.png
Cập nhật kiến thức về công nghệ số là thách thức với nhiều người cao tuổi. Ảnh: kyluc.vn.

Bà Phan Thị Hoa (*), 73 tuổi, ở khu 4, xã Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ vừa được con gái đăng ký tài khoản ngân hàng. Cô con gái còn sắm cho mẹ chiếc điện thoại thông minh để liên lạc với người thân qua Internet. Từ ngày biết dùng Zalo, bà rất vui vì từ nay có thể nói chuyện thoải mái với chị Hằng, con gái thứ ba, lấy chồng và đang ở Đài Loan (Trung Quốc), và hai cô con gái lấy chồng tỉnh khác. Biết gọi video call qua ứng dụng Zalo, giờ đây bà có thể nhìn thấy con gái, các cháu ngoại và con rể hằng ngày, được nói chuyện thoải mái không lo tốn tiền điện thoại.

Để tiện việc chuyển tiền khi cần thiết, chị Hằng nhờ người ở Việt Nam mở tài khoản cho mẹ.

Số điện thoại lạ gọi đến chỉ sau vài tháng bà Hoa có tài khoản ngân hàng khiến bà lo sợ. Lời hăm dọa “nếu không trả tiền, gia đình, con cháu bà sẽ không được yên với chúng tôi” làm bà Hoa trằn trọc không ngủ nổi. Bà không biết tiền có đến tài khoản của mình không, có thật họ chuyển nhầm hay không. Lý do là dù có tài khoản, nhưng do bà Hoa không biết thao tác trên điện thoại thông minh nên chị Hằng phải đăng ký nhận thông báo tin nhắn thông tin tài khoản ngân hàng bằng số điện thoại của em gái út.

Sau khi được con gái út giải thích, rằng ngân hàng không thông báo có khoản tiền nào được gửi đến, rằng cuộc điện thoại kia có thể là một cuộc gọi lừa đảo, bà Hoa mới yên tâm phần nào, dù chưa hết lo ngại. Sau vài cuộc gọi đe dọa không thành, người kia dừng liên lạc.

Bà Hoa may mắn không mắc lừa kẻ xấu, nhưng bà Trần Thị Xoan (*) ở ngõ 3 Khương Đình, Thanh Xuân thì không may mắn như thế. Bà Xoan, 69 tuổi, là công nhân về hưu, nay bán tạp hóa.

Dù rất ngại chuyện tài khoản, chuyện chuyển khoản ngân hàng qua điện thoại, nhưng mấy năm nay việc thanh toán bằng cách quét mã QR ngày càng phổ biến, bà cũng đành nhờ người mở tài khoản. “Mua mấy cái bánh, mấy gói mì, thậm chí uống chai nước cũng đòi quét mã, chuyển khoản”, bà Xoan nói.

Một lần, có thanh niên vào quán bà Xoan mua một số thứ đồ. Tiền thanh toán hết 1,8 triệu đồng. Anh thanh niên trông có vẻ trí thức hỏi giá một số thứ rồi mua thêm 200 ngàn tiền hàng và yêu cầu bà cho quét mã QR. Sau đó anh ta trưng ra hình ảnh biên lai gửi tiền trên điện thoại. Thấy tên mình, thấy tiền đã gửi đi, bà Xoan yên chí là tiền đã vào tài khoản của mình. Tuy nhiên, vài giờ sau khi anh thanh niên đi khỏi, bà vẫn không thấy tài khoản báo nhận tiền.

Nhờ con trai kiểm tra, bà Xoan mới biết chẳng có số tiền nào được chuyển đến cả. “Con tôi giải thích rằng rất có thể họ quét mã QR của tôi từ trước, biết số tài khoản, tên, ngân hàng nên làm giả hình ảnh biên lai”, bà Xoan nói.

Sau vụ đó, bà không dùng tài khoản của mình, thay vào đó yêu cầu ai muốn chuyển tiền thì chuyển vào tài khoản con trai. “Bây giờ có Internet, tôi thấy tiện nhiều thứ. Vợ chồng tôi xem phim trên mạng, dùng Zalo nhắn tin gọi điện, xem YouTube, cái gì cũng nhanh chóng, rẻ tiền. Cái tôi ngại nhất là việc lừa đảo, gần đây thấy rất nhiều vụ liên quan đến lừa đảo qua mạng mà nạn nhân là người già như chúng tôi”, bà Xoan nói.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 6/2023, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam chiếm khoảng 78,59% dân số, người từ 55 tuổi trở lên chiếm gần 20%. Bên cạnh đó, người cao tuổi là đối tượng chính của các cuộc tấn công mạng.

Một khảo sát về an toàn thông tin trực tuyến do Google thực hiện với hơn 1.248 người dùng Internet Việt Nam cho thấy 90% người dùng đã từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Trong đó, nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương với 49% đã từng bị lừa đảo. Ba lý do chính khiến người lớn tuổi sập bẫy lừa đảo trực tuyến là bởi họ không nhận ra tình huống là một trò lừa đảo chiếm 48%; giao dịch hoặc giải thưởng có vẻ hấp dẫn chiếm 39%, cảm thấy tò mò chiếm 38%.

Một số người cao tuổi nói họ cảm thấy e ngại công nghệ số, một phần bởi tốc độ thay đổi, phát triển và ứng dụng vào cuộc sống diễn ra hằng ngày trong khi khả năng tiếp thu các kiến thức mới của họ ngày càng hạn chế.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy 80% người cao tuổi gặp khó khăn trong việc chấp nhận và thích ứng với công nghệ mới.

Ông Nguyễn Văn Công, 70 tuổi, chồng bà Xoan là một trong những người rất "ngán"công nghệ số. Ông Công, công nhân về hưu, nói ông thua cả vợ, không dùng được Zalo, không biết dùng điện thoại thông minh vì “lằng nhằng khó nhớ”.

Ông cũng dùng Internet nhưng không biết thao tác. Con trai ông phải mở cho bố một tài khoản Google trên máy tính, đặt sẵn biểu tượng của hai ứng dụng ông Công dùng hằng ngày là VTVgo và YouTube.

Sợ bị lừa đảo, ngại các thủ tục, ngại “công nghệ số”, ông Công không mở tài khoản ngân hàng, không nghe các số điện thoại lạ gọi đến. Hằng tháng, ông vẫn trực tiếp đến bưu điện lĩnh lương hưu. Việc này hơi cách rách nhưng “làm thế cho chắc”, ông nói.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT), lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp. Một trong những mục tiêu mà tội phạm mạng đang hướng tới là người cao tuổi. Việc hạn chế về mặt công nghệ, ít tiếp cận thông tin, dễ bị thuyết phục, tài chính có sẵn là những lý do khiến người lớn tuổi trở thành mục tiêu của bọn tội phạm.

Trong năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều người cao tuổi đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tài chính, có người mất hàng trăm triệu đồng tiết kiệm được trong suốt thời gian còn công tác.

Ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT) cho biết, bên cạnh việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện định danh tài khoản ngân hàng, Bộ TTTT xác định việc cập nhật, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về cách thức nhận diện hình thức lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.

Ngoài truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện Bộ TTTT đang kêu gọi các tổ chức, các công ty truyền thông, mạng xã hội tăng cường xây dựng các tình huống, các hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng nhóm đối tượng trên các nền tảng khác nhau, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như trẻ em và người cao tuổi.

Cuối tháng 8/2023 tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC) tổ chức chương trình tập huấn thanh niên hỗ trợ người cao tuổi phòng chống thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng.

Các chuyên gia của chương trình nhận định, mặc dù người cao tuổi là đối tượng chính của các cuộc tấn công mạng, nhưng tại Việt Nam chưa có chương trình hay nội dung chính thức nào về "kiến thức số" hay "an toàn trực tuyến" hỗ trợ dành riêng cho đối tượng này.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

ANH MINH