Giáo dục

Đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn - Bài cuối: Tăng cường giám sát công tác tuyển sinh

NGUYỄN HOÀI (thực hiện) 07/04/2024 09:34

Dù các trường đại học (ĐH) đã chủ động xây dựng chương trình và mở rộng quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, nhưng để tránh tình trạng mở ngành chạy theo xu thế, không bảo đảm chất lượng, một số ý kiến cho rằng, Bộ GDĐT cần giám sát chặt chẽ và cẩn trọng.

sinh-vien-truong-dai-hoc-viet-duc-thuc-hanh-thiet-ke-vi-mach-tai-phong-thi-nghiem.-2-.jpg
Sinh viên Trường ĐH Việt Đức thực hành thiết kế vi mạch tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH 2024 đang tới gần. Trước xu thế của mùa tuyển sinh năm nay, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT đã có cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về định hướng của Bộ cũng như cơ hội việc làm trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.

PV: Ngành công nghệ vi mạch, bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới tại Việt Nam. Nhiều năm nay, đã có một số trường ĐH lớn triển khai đào tạo song số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn thấp. Ông đánh giá thế nào về chất và lượng đào tạo ngành này ở Việt Nam hiện nay?

thu-truong-hoang-minh-son.jpg
PGS.TS Hoàng Minh Sơn.

PGS.TS HOÀNG MINH SƠN: Giáo dục ĐH gắn kết rất chặt chẽ với thị trường lao động theo quan hệ cung - cầu. Tuy nhiên, giáo dục ĐH không thể chỉ hướng tới đáp ứng nhu cầu hiện tại của thị trường lao động, mà phải có chức năng dẫn dắt việc phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Do đó, cần phải quan tâm đầu tư đi trước một bước để tăng cả số lượng và chất lượng đào tạo nhân lực chuyên ngành này, qua đó mới thu hút được đầu tư và cuối cùng tiếp tục gia tăng nhu cầu nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngành công nghệ vi mạch bán dẫn có nhiều yêu cầu mang tính đặc thù. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GDĐT có định hướng ra sao trong việc đào tạo, thưa ông?

- Bộ GDĐT đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm rộng rãi và làm việc riêng với một số cơ sở giáo dục ĐH lớn để trao đổi, thống nhất về quan điểm, định hướng phát triển đào tạo nhân lực cho công nghệ bán dẫn.

Muốn tăng (nhanh) số lượng thì trước hết phải tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư tăng cường năng lực, thực hiện các giải pháp huy động nguồn bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế, phải bảo đảm cho sinh viên tốt nghiệp có năng lực khả năng thích ứng nhanh với yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư ở trong nước cũng như các doanh nghiệp ở nước ngoài.

Các cơ sở giáo dục ĐH cần liên kết, liên minh, cùng đẩy mạnh hợp tác với các trường ĐH, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong phát triển chương trình đào tạo, phát triển và chia sẻ sử dụng đội ngũ giảng viên, chuyên gia, trang thiết bị thí nghiệm và học liệu, tổ chức tuyển sinh và đào tạo, trao đổi sinh viên…

Trong mùa tuyển sinh 2024, không ít trường mở ngành đào tạo công nghệ vi mạch bán dẫn. Một số ý kiến cho rằng, việc mở ngành cần bảo đảm chất lượng tránh chạy theo xu thế; về phía cơ quan quản lý, Bộ GDĐT cần giám sát chặt chẽ, không để các trường tự do mở ngành. Quan điểm của ông ra sao?

- Trước hết cần phải nói rõ ngành công nghiệp bán dẫn cần nhân lực từ nhiều ngành đào tạo, trong đó có một phần nhân lực chuyên sâu về công nghệ vi mạch bán dẫn. Hiện nay có hai xu hướng trong xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ vi mạch bán dẫn. Hầu hết cơ sở đào tạo lựa chọn xây dựng các chương trình đào tạo chuyên ngành trên cơ sở các ngành có sẵn.

Đó cũng là phương thức mà Bộ GDĐT khuyến cáo cho số đông cơ sở đào tạo, vì thế mà cũng chưa cần thiết phải có một mã ngành đào tạo hoàn toàn mới. Đến nay chỉ có ĐH Quốc gia TPHCM tự chủ mở thí điểm một số mã ngành mới, chuyên sâu cho thiết kế vi mạch hay công nghệ bán dẫn.

Tất cả các chương trình đào tạo, cho dù được xây dựng theo cách nào, mở ngành mới hay trên cơ sở một ngành đang đào tạo, thì đều phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng theo quy định của Bộ GDĐT. Đặc biệt là các chương trình đào tạo chuyên sâu về vi mạch bán dẫn có yêu cầu cao về đội ngũ giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm, chất lượng sinh viên đầu vào.

Do vậy không thể có nhiều cơ sở đào tạo sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo ngay. Sắp tới, Bộ tăng cường giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng và việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đối với các chương trình đào tạo này.

Thưa ông, được biết để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Bộ GDĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động toàn ngành thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nội dung này?

- Hiện nay Bộ GDĐT đang hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao để trình Thủ tướng phê duyệt, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách để thu hút người học, phát triển đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành STEM phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nói chung và các ngành phục vụ phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn nói riêng.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng một đề án riêng về phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, trong đó sẽ xác định cụ thể nhu cầu cơ cấu nhân lực, phương thức và nguồn lực để triển khai đào tạo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu gia tăng nhanh số lượng và chất lượng trong thời gian tới, tập trung nhiều vào kỹ sư thiết kế vi mạch và nhân lực phục vụ khâu kiểm thử, đóng gói.

Sau khi các đề án này được phê duyệt, Bộ sẽ hoàn thiện Kế hoạch hành động nhằm tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong toàn ngành, trong đó có nhiều nội dung đã được nêu trên đây. Bộ GDĐT cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ ưu tiên đầu tư tập trung, vun cao cho một số cơ sở giáo dục ĐH công lập có năng lực và uy tín làm nòng cốt, dẫn dắt; đồng thời có kế hoạch làm việc với một số cơ sở giáo dục ĐH tư thục để hỗ trợ thúc đẩy đào tạo trong lĩnh vực này.

Chỉ còn thời gian ngắn nữa, thí sinh sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2024. Trước nhu thị trường, nhiều thí sinh có nguyện vọng đăng ký ngành liên quan tới công nghệ vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên không phải thí sinh nào cũng hiểu rõ về ngành học này. Ông có lời khuyên gì cho thí sinh?

- Trong những năm gần đây, các trường ĐH rất quan tâm tới công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Vì thế, thông tin về ngành nghề đào tạo có rất nhiều và đa dạng, qua các diễn đàn khác nhau và trên các phương tiện, kênh truyền thông, đặc biệt gần đây là thông tin về các chương trình, ngành đào tạo liên quan tới công nghệ vi mạch, bán dẫn. Thật ra, hai thông tin quan trọng nhất mà thí sinh cần tìm hiểu sâu, tốt nhất là từ các thầy, cô giảng viên đến từ các trường ĐH đã có uy tín, truyền thống trong đào tạo và nghiên cứu các ngành liên quan. Theo đó, có hai lưu ý tới các thí sinh như sau:

Thứ nhất, các chương trình, ngành đào tạo này được phát triển từ các ngành khoa học, kỹ thuật truyền thống như: Vật lý kỹ thuật, Khoa học vật liệu, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật máy tính, cùng với một số ngành mới hơn như Trí tuệ nhân tạo. Do đó, các thí sinh cần xác định năng lực, sở trường của mình đối với các môn học cơ bản như: Toán, Lý, Hóa, Tin học và các môn Kỹ thuật, Công nghệ.

Thứ hai, nhu cầu và yêu cầu các vị trí việc làm cả trong nước và ngoài nước đối với ngành công nghiệp bán dẫn chắc chắn tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, các em cần tìm hiểu rõ về yêu cầu cơ cấu nhân lực theo trình độ đào tạo, ngành đào tạo trong ngắn hạn và dài hạn, trong nước và ở các nước khác. Khi các em đã tự tin vào sở trường, năng lực theo học và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế thì sẽ không còn gì phải băn khoăn, lo lắng cho việc lựa chọn của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

TS Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Thẩm định kỹ lưỡng và cẩn trọng
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, các quy định của Luật hiện nay đã có sự kiểm soát. Tuy các quy định đã có nhưng vẫn có trường lách luật được. Tôi đã chứng kiến một số trường kê khai chưa trung thực về đội ngũ giảng viên. Trong danh sách giảng viên đủ về số lượng nhưng thực tế có giảng viên, thậm chí PGS, TS lại không giảng dạy một tiết nào, không có đóng góp về chuyên môn học thuật mà chỉ có tên trên hồ sơ. Về vấn đề này, tôi đề nghị Bộ GDĐT phải có sự thẩm định thật kỹ lưỡng và chắc chắn để tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”. Về phía các trường đừng chạy theo chỉ tiêu, quy mô tuyển sinh để mở mã ngành tràn lan ồ ạt, dẫn tới gia tăng tính cạnh tranh giữa các trường. Khi đó, mỗi trường sẽ tuyển sinh được số lượng ít sinh viên.

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)